Mới đây Fptshop.com.vn của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) không còn danh mục ngành hàng điện máy. Theo đó, người tiêu dùng không còn mua được hàng điện máy của Nguyễn Kim thông qua trang web này. Như vậy, sau sáu tháng thử nghiệm, việc hợp tác giữa FPT Shop và Nguyễn Kim đã dừng lại.
Trước đó, tháng 4-2019, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về lý do chọn hợp tác với Nguyễn Kim, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail, chia sẻ mục tiêu hợp tác dựa trên thế mạnh sẵn có của đôi bên, mang lại cho khách hàng nhiều ưu đãi và cơ hội tiếp cận thêm sản phẩm khác. Quá trình triển khai đang trong giai đoạn thử nghiệm và "chúng tôi chỉ quan tâm đến việc mang lại cho khách hàng các ưu đãi và quyền lợi tốt nhất bằng việc hợp tác với các đối tác khác ngành…".
Dù không tuyên bố lý do “chia tay” với Nguyễn Kim nhưng hiện FPT Retail đang tập trung mọi nguồn lực cho ngành hàng lại hiệu quả cao là dược phẩm. Bằng chứng là trong chín tháng đầu năm, doanh thu của 50 cửa hàng dược FPT Long Châu đạt 496 tỉ đồng, tăng trưởng 90,4% so với cùng kỳ. Trước sự tăng trưởng này, FPT Retail kỳ vọng đến cuối năm 2019 đạt được mục tiêu mở 70 nhà thuốc FPT Long Châu.
Vì sao FPT Shop sớm 'chia tay' Nguyễn Kim? - ảnh 1Phân tích về sự "chia tay" của hai doanh nghiệp (DN) này, ông Trương Văn Quý, Giám đốc điều hành EQVN (đơn vị đào tạo digital marketing đầu tiên tại Việt Nam), cho biết hợp tác giữa hai DN dựa trên thế mạnh của nhau. FPT Shop mạnh về công nghệ và kinh doanh trực tuyến, Nguyễn Kim mạnh về nguồn hàng điện máy và kinh doanh truyền thống.
Trong xu hướng số hóa, Nguyễn Kim cần những đầu tư mạnh về công nghệ và con người để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng thời đại công nghệ. Việc chọn hợp tác với một đối tác công nghệ là giải pháp hay để đẩy nhanh quá trình số hóa và khai thác thương mại điện tử (TMĐT).
Tuy vậy, sự hợp tác của Nguyễn Kim và FPT Shop chỉ mới giai đoạn thử nghiệm và hợp tác bề nổi về TMĐT chứ chưa có những cam kết chiều sâu trong đầu tư công nghệ.
Mặt khác, hiện sản phẩm điện máy đã tràn ngập trên các sàn TMĐT như Tiki, Lazada, Shopee… những nền tảng đang được đầu tư khủng trong giai đoạn chiếm lĩnh thị trường bán hàng trực tuyến. Do đó, việc cạnh tranh với top ba TMĐT lúc này là không dễ. Dù Sendo của FPT đã giữ được vị trí thứ tư trong các sàn giao dịch TMĐT nhưng không phải là vị trí an toàn để đảm bảo thành công khi cuộc chơi chỉ có 1-2 người thắng cuộc. Bên cạnh đó FPT Shop với mô hình kết hợp online và offline đang chịu sự cạnh tranh không kém khốc liệt với Thế Giới Di Động.
Theo số liệu của Similar web từ tháng 4 đến nay lưu lượng truy cập vào Fptshop đã giảm 12% trong khi đối thủ Thế Giới Di Động vẫn giữ được đà tăng trưởng lưu lượng. Đó có thể là lý do FPT Shop không thực sự tập trung với hợp tác lần này và họ chưa có nhiều nỗ lực để triển khai dienmay.fptshop.com.vn như dự định trước đó. Ngoài ra, FPT Shop có những lựa chọn sản phẩm khác phù hợp hơn với mô hình online - offline của họ để giảm cạnh tranh với các sàn TMĐT mà dược phẩm là một ví dụ.
“Tốc độ số hóa và phát triển TMĐT ở Việt Nam đang chuyển qua giai đoạn mới, nhanh hơn và khốc liệt hơn. Vì vậy, ngoài những thành công của các sàn TMĐT, các công ty có khả năng công nghệ chúng ta nhìn thấy nhiều doanh nghiệp bị bỏ lại hay phải từ bỏ cuộc chơi. Nhiều trung tâm thương mại tập trung vào thời trang và mỹ phẩm cũng buộc phải đóng cửa khi kinh doanh các mặt hàng này đang phát triển rất tốt trên Internet” - ông Quý nói.