Vì sao nhân viên 'sống chết' với địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Luyện?

21/09/2019 10:01

Kinhte&Xahoi Công an lý giải một thực tế vì sao nhân viên của công ty địa ốc Alibaba "sống chết" với công ty và bảo vệ ông Nguyễn Thái Luyện đến cùng khi bị phanh phui, điều tra.

Theo đó, khi báo chí phản ánh về hoạt đông kinh doanh bất động sản có dấu hiệu lừa đảo của Alibaba thì bộ sậu quản lý, các nhân viên tổ chức livestreams trên mạng xã hội, các kênh thông tin khác để phản ứng lại, bêu xấu các phóng viên viết bài.

"Linh hồn" của địa ốc Alibaba chính là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện

Hay như trong vụ chống đoàn cưỡng chế khu dự án ma tại xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hồi giữa tháng 6, các nhân viên và an ninh của Alibaba sẵn sàng đập phá phương tiện của chính quyền.

Thậm chí sau đó, ông Luyện còn tổ chức livestreams trên mạng xã hội để có lời lẽ hằn học, xúc phạm đến Chủ tịch UBND xã nói riêng và những người giữ chức vụ trong xã, công an viên nói chung.

Và có rất nhiều sự việc, nhân viên của công ty địa ốc Alibabađã "sống chết" với công ty, bảo vệ cho ông Luyện. Vì sao như vậy?

Các nhân viên của Alibaba "sống chết" với công ty, bảo vệ ông Nguyễn Thái Luyện đến cùng vì họ có góp tiền vào các dự án "ma"

Thực tế là trong các dự án ma, ông Luyện và bộ sậu Alibaba đã chủ trương bán với giá cực rẻ cho các nhân viên sale. Đây vốn là khu đất nông nghiệp mà ông Luyện chỉ đạo một số nhân viên cấp quản lý đi thu gom mua, để vẽ ra dự án hoành tráng là đất nền, dự án cao cấp này nọ.

Giá bán của ông Luyện mang tiếng là ưu đãi cho nhân viên nội bộ nhưng cũng đã khá lời so với giá gốc mà ông mua đất nông nghiệp. Các nhân viên mua đất giá rẻ, sử dụng chính đó để đi chào mời, giăng bẫy khách hàng.

Cơ quan CSĐT thu giữ nhiều tài liệu tại trụ sở công ty con Chiến Binh Thép thuộc Công ty địa ốc Alibaba chiều 20/9

Cán bộ điều tra cho hay, hồ sơ đã có thể hiện các nhân viên của Alibaba góp vốn, thực chất là hình thức mua đất ở từng khu đất cụ thể.

Do đó, trong khoảng 1 năm trở lại đây, khi mà địa ốc Alibaba bị báo chí phanh phui, bị Công an tập trung điều tra thì các nhân viên Alibaba liên tục đứng ra bảo vệ cho công ty nói chung và bản thân ông Luyện nói riêng. Vì dễ hiểu, trong Alibaba có phần tiền của các nhân viên này đóng vào.

Khi Alibaba đổ sập thì đồng nghĩa với việc họ mất tiền. Suy cho cùng trong vụ án Alibaba, những nhân viên của công ty nào cũng là những nạn nhân.

Bất động sản theo kiểu đa cấp tinh vi

Nguyễn Thái Luyện và bộ sậu Alibaba đã tinh vi khi tổ chức kinh doanh, môi giới bất động sản theo hình thức đa cấp.

Khi các nhân viên kéo thêm người tham gia vào công ty thì lập tức được thăng chức dần dần. Do đó nhiều nhân viên nỗ lực kéo người tham gia vào “tập đoàn” để thành... lãnh đạo.

Địa ốc Alibaba tổ chức kinh doanh theo hình thức đa cấp, định kỳ thăng chức và trao thưởng khủng cho nhân viên

Thông tin từ cơ quan Công an cho hay, tính đến thời điểm hiện tại lượng nhân viên của Alibaba và các công ty con đã lên đến 2.600 người. Tuy nhiên, Công an cho rằng, con số nhân viên hay cộng tác viên của Alibaba có thể còn đông hơn nữa.

Thủ đoạn khác là bộ sậu Alibaba trong các đợt định kỳ bổ nhiệm cấp quản lý dựa vào hiệu quả công việc đã có tổ chức trao thưởng các vật phẩm, điển hình thường là ô tô.

Trong giai đoạn đầu năm nay, Alibaba có 1 vài lần tổ chức định kỳ theo tháng để trao thưởng cho các nhân viên gọi là Super Sale. Đến nay hé lộ, nguồn tiền mà Alibaba sử dụng mua ô tô để trao thưởng cho nhân viên thực tế là tiền khách hàng đóng vào, bị lừa mua đất ở khắp nơi.

Hiện Bộ Công an và Công an TP HCM, các tỉnh thành khác đang tập trung mở rộng điều tra về công ty Alibaba và các công ty con.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đình chỉ hoạt động 2 cơ sở kinh doanh dược phẩm

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 2 ngày 16 và 17/9, Sở Y tế đã ban hành 4 quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và chứng chỉ hành nghề dược của các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo Vietnamnet/ Pháp luật Plus