Việt Nam chính thức tham gia Công cụ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á

11/02/2022 14:10

Kinhte&Xahoi Ngày 11-2, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam vừa trở thành thành viên thứ tám của Công cụ Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF).

Ảnh minh hoạ.

WB cho biết, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) tham gia Công cụ Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF) - vốn đã bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore, Nhật Bản. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đại diện Việt Nam tham gia Hội đồng thành viên SEADRIF.

Được WB hỗ trợ, SEADRIF là sáng kiến đầu tiên tại châu Á về cơ chế tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai vùng, được thành lập dưới sự phê duyệt của các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3). Sáng kiến nhằm tăng cường năng lực tự cường tài chính đối với rủi ro thiên tai và khí hậu trong khu vực ASEAN. 

Tư cách thành viên SEADRIF cho phép các nước thành viên nhận được hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực bảo vệ ngân sách nhà nước, bảo vệ tài chính đối với tài sản công, lập mô hình rủi ro và quản lý rủi ro, phát triển thị trường bảo hiểm trong nước, đổi mới công nghệ và sản phẩm tài chính. Việt Nam cũng có thể thông qua SEADRIF để tiếp cận thị trường tài chính quốc tế với quy mô kinh tế rộng lớn hơn nhờ cơ chế chia sẻ rủi ro với các nước thành viên khác và tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính tiềm năng từ các đối tác phát triển. Nhờ vậy, nước ta có thể tăng cường khả năng bảo vệ tài chính quốc gia và người dân trước những cú sốc về thiên tai và khí hậu.

Ông Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản phụ trách về quốc tế và Đồng Chủ tịch Hội đồng thành viên SEADRIF hoan nghênh việc Việt Nam trở thành thành viên thứ tám của SEADRIF vào thời điểm quan trọng khi tất cả các nước thành viên SEADRIF đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tài chính dự phòng để quản lý tác động ngày một tăng lên của rủi ro thiên tai và khí hậu. Ông M.Kanda bày tỏ mong muốn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc ứng phó với các rủi ro trên thông qua khai thác các dịch vụ và sản phẩm phù hợp do SEADRIF cung cấp và thể hiện vai trò của Việt Nam trong xây dựng một khu vực ASEAN tự cường hơn nữa. 

Về phần mình, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết, WB cùng với các đối tác phát triển đã và đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và các hoạt động trao đổi nhằm giúp Việt Nam xây dựng khả năng quản lý tác động của các cú sốc về thiên tai và khí hậu. Việc Việt Nam gia nhập SEADRIF là một bước quan trọng để cải thiện không gian tài khóa và tính chống chịu của hệ thống tài chính quốc gia trước các rủi ro thiên tai và khí hậu, điều này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam đang trên con đường phục hồi xanh và bền vững sau Covid-19.

 Hoàng Linh - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phát hiện cây xăng có hàng nhưng không bán

Với yêu cầu bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong mọi tình huống, ngay sau cuộc họp khẩn với đại diện các bộ, ngành, địa phương chiều 9-2, tối cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 150/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.

Tích cực đồng hành với doanh nghiệp

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” với tổng doanh thu ước trên 360.000 tỷ đồng, 95,4% tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội Nguyễn Trường Sơn cho biết, năm 2022, Đảng bộ Khối sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, đồng hành với doanh nghiệp.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1024496/viet-nam-chinh-thuc-tham-gia-cong-cu-bao-hiem-rui-ro-thien-tai-dong-nam-a