Việt Phát: Tổng tài sản hơn 1,600 tỷ, nhưng nợ chiếm 82,3%

07/09/2018 10:52

Kinhte&Xahoi Tổng tài sản ghi nhận đạt tới 1.686 tỷ đồng, báo lãi tăng trưởng đột biến, nhưng 82,3% trong số đó là… nợ. Đó là nét chính trong BCTC tài chính Quý II/2018 của Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (Việt Phát, mã: VPG).

Công ty Việt Phát thành lập từ năm 2008, khởi đầu từ một Công ty dịch vụ vận tải chuyên vận tải nội địa, Việt Phát đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những Công ty dẫn đầu về sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu khoáng sản và dịch vụ vận tải nội địa Việt Nam, ngày đầu tiên niêm yết trên HOSE là ngày 18/1/2018, với khối lượng cổ phiếu niêm yết lần đầu: 20 triệu cổ phiếu, và Cổ phiếu được giao dịch ký quỹ theo Thông báo 973/TB-SGDHCM ngày 19/07/2018 của HSX. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9/2018, giá VPG đạt mức 18,500 đồng/cổ phiếu.

Nợ chiếm 82,3% tổng tài sản

Theo BCTC bán niêm 2018 đã soát xét của Việt Phát, tính tới thời điểm ngày 30/6/2018, tổng tài sản của công ty đạt 1.686 tỷ đồng, tăng 25,6% so với đầu kỳ.

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2018, hàng tồn kho của công ty tăng vọt từ hơn 282,3 tỷ đồng lên 502,5 tỷ đồng, tương đương mức tăng 78% so với đầu kỳ.

Trong khi đó, doanh thu thuần của Việt Phát trong 6 tháng đầu năm lại chỉ đạt 781,1 tỷ đồng, giảm 300 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tồn kho tăng cao, doanh thu giảm mạnh, nhưng đáng ngạc nhiên là lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Việt Phát lại ghi nhận 118,5 tỷ đồng, tăng tới 206,6% so với cùng kỳ (hơn 59,2 tỷ đồng).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 lợi nhuận sau thuế của Việt Phát đạt 43 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ và hoàn thành 60,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Kết thúc quý II/2018, nợ phải trả của Việt Phát đạt 1.389 tỷ đồng, tăng 27,6% so với đầu kỳ và chiếm 82,3% tổng tài sản, trong đó nợ ngắn hạn lên tới 1.386 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong tổng tài sản của Việt Phát còn có khoản ứng trước của Ban Quản lý Công trình Xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng, với giá trị 104,2 tỷ đồng, để thi công gói thầu san lấp phía ngoài đê tả Sông Cấm đến trục chính Đông Tây của thành phố Hải Phòng.

Đáng chú ý, mặc dù nợ phải trả rất lớn, nhưng Việt Phát lại có hơn 442,2 tỷ đồng tiền gửi, và được dùng thế chấp rất nhiều khoản vay tại các ngân hàng. Điều này cho thấy bên cạnh việc tăng tồn kho, giảm doanh thu, Việt Phát đang ứ đọng tiền rất lớn, trong khi đó thì doanh nghiệp này lại cùng lúc tăng vay nợ từ ngân hàng. 

Không ngừng tăng vốn

Công ty Việt Phát thành lập ngày 23/7/2008, vốn điều lệ là 25 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Văn Bình (tỷ lệ sở hữu 60%), ông Phùng Quốc Việt sở hữu 32%, ông Ngô Hồng Giang nắm giữ 8%.

Theo giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 5 ngày 21/5/2014 của Sở KHĐT thành phố Hải phòng cấp, Việt Phát tăng vốn điều lệ từ 25 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng.

Phương án tăng vốn là phát hành cổ phần cho các cổ đông, nhà đầu tư theo nhu cầu, số lượng phát hành là 750.000 cổ phần với mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần, tương đương 75 tỷ đồng.

Năm 2016, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lần 2, từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng, thông qua phát hành 10 triệu cổ phần theo mệnh giá (10.000 đồng/cp) cho các cổ đông, nhà đầu tư theo nhu cầu. Mục đích phát hành là thanh toán các hợp đồng mua quặng của công ty.

Mới đây nhất, trong giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 7 ngày 7/8/2018, Việt Phát đã tăng vốn điều lệ lên gần 230 tỷ đồng thông qua hình thức trả cổ tức bằng phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 100:15, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được trả cổ tức tương đương 15 cổ phiếu.

Dòng tiền “biết nói”

Trong thuyết minh BCTC của Việt Phát, tổng số nợ với các ngân hàng lên tới gần 652 tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu kỳ (gần 267 tỷ đồng). Tài sản thế chấp là những tài sản có giá trị như quyền đòi nợ, hàng hóa, quyền sử dụng đất…

Tổng số nợ với các ngân hàng của VPG lên tới 652 tỷ đồng

Có điểm đặc biệt, để thế chấp cho khoản nợ 12 tỷ đồng của công ty tại Ngân hàng TMCP Quân đội (của MB Hải Dương) chi nhánh Hải Dương, thì Việt Phát còn thế chấp cả xe ô tô thuộc quyền sở hữu của thành viên HĐQT với trị giá là 2,3 tỷ đồng. Theo ghi nhận, ngày 30/9/2017, công ty cũng phát sinh khoản vay ngắn hạn của MB Hải Dương được thế chấp bằng ô tô mang nhãn hiệu Lexus thuộc sở hữu của bà Lê Thị Thanh Lệ với giá trị 2,73 tỷ đồng và xe ô tô nhãn hiệu Land Rover  - Range Rover thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Bình với giá trị là 4,42 tỷ đồng.

Được biết, ông Bình là  Chủ tịch HĐQT công ty, bà Lệ là thành viên HĐQT công ty đồng thời cũng là vợ của ông Bình.

Hiện, cơ cấu HĐQT của Việt Phát khá “cô đặc” khi 5 cổ đông cá nhân sở hữu cổ phần lớn đã nắm giữ tới 61,6% vốn của công ty. Bao gồm ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch HĐQT sở hữu 7,32 triệu cổ phần, tương đương 36,6% vốn điều lệ, Bà Lê Thị Thanh Lệ (vợ ông Bình) - Thành Viên HĐQT sở hữu 2 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn điều lệ, ông Nguyễn Văn Dũng – Thành viên HĐQT sở hữu 1 triệu cổ phần, tương đương 5% vốn điều lệ, ông Nguyễn Xuân Trường – Thành Viên HĐQT sở hữu 1 triệu cổ phần, tương đương 5% vốn điều lệ.

Đặt mục tiêu đẩy mạnh mảng kinh doanh bất động sản trong tương lai, công ty quyết định mua cổ phần Công  ty CP Xây dựng Bất động sản Việt Phát (Cty BĐS Việt Phát), theo quyết định số 28-8/QĐ-ĐHCĐ ngày 28/8/2017 của HĐQT công ty Việt Phát)  với số tiền là 102,750 tỷ đồng, chiếm 15% vốn điều lệ của công ty này. Theo nguồn tin của PV Hoà Nhập, Cty BĐS Việt Phát và Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam đã chính thức ký hợp đồng chuyển nhượng dự án và quyền sử dụng đất ngày16/6/2018, trước đó hai bên đã ký hợp đồng nguyên tắc vào ngày 8/12/2017. Qua tìm hiểu được biết, Dự án Trung tâm mua sắm AEONMALL Hải Phòng, với tổng mức đầu tư là 180 triệu USD (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng).

Đại diện chính quyền TP Hải Phòng - Aeon Mall Việt Nam và Cty CP  Đầu tư Thương mại XNK Việt Phát ký kết biên bản ghi nhớ ngày 21/9/2017. Dấu hỏi về mối quan hệ của Công ty Cổ phần Xây dựng BĐS  c với dự án này?  Ảnh: KTĐT   

Và theo thông tin có được, 4 thành viên HĐQT Việt Phát gồm: Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT; bà Lê Thị Thanh Lệ, thành viên HĐQT; ông Nguyễn Văn Dũng, thành viên HĐQT; ông  Nguyễn Xuân Trường, thành viên HĐQT (trừ ông Nguyễn Quang Khải, thành viên HĐQT độc lập không tham gia góp vốn) và ông Mai Quang Hợp, Phó Tổng Giám đốc Việt Phát là những cổ đông góp 85% vốn điều lệ vào Cty BĐS Việt Phát.

Theo quyết định 28-8/QĐ-ĐHCĐ ngày 28/8/2017 của Việt Phát thì nguồn kinh phí mua cổ phần của Cty BĐS Việt Phát được trích từ vốn đầu tư kinh doanh của công ty và người đại diện phần vốn mua này tại Cty BĐS Việt Phát là ông Nguyễn Văn Bình, điều đáng lưu ý, vốn điều lệ của Việt Phát là 200 tỷ thời điểm đó, đồng thời Cty BĐS Việt Phát được thành lập ngày 1/9/2017, thời điểm này VPG đang chuẩn bị hồ sơ để niêm yết trên HOSE.

Liệu có hay không Quyết định “mua” cổ phần khi công ty BĐS Việt Pháp vẫn chưa thành lập, có điều gì chưa rõ ràng không khi đây lại là quyết định mua cổ phần mà không phải là quyết định tham gia góp vốn? Và Việt Phát và các thành viên HĐQT, Ban Giám đốc đã sử dụng nguồn tiền từ đâu để góp vốn vào công ty BĐS Việt Phát, khi vốn điều lệ của Cty BĐS Việt Phát là 685 tỷ đồng? 

 

Theo hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM