Vụ spa "cỏ" khiến mặt cô gái trẻ biến dạng: Bác sĩ nói khả năng điều trị khỏi gần như là không thể

15/10/2019 17:11

Kinhte&Xahoi Sau hàng loạt những vụ việc biến chứng “rợn người” vì thẩm mỹ, do khách hàng bị “tiêm đủ thứ” lên mặt khiến nhiều người hoang mang, Pháp Luật Plus có cuộc trao đổi với bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương để tìm hiểu rõ hơn về phương pháp làm đẹp này.

Mặt sưng phù,  da mặt sưng mủ lỗ chỗ sau khi tiêm căng bóng... là những biến chứng của một nạn nhân khi lựa chọn làm đẹp tại cơ sở spa không uy tín.

Điển hình là gần đây Pháp Luật Plus đã nhận được phản ánh từ chị Hương - nạn nhân của spa "cỏ" có tên" Thành Lan Beauty – chuyên Đào tạo nghề spa, nối mi chuyên nghiệp, phun xăm thẩm mỹ” tại ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, sau biến chứng "da mặt sưng mủ lỗ chỗ như tổ ong" vì tiêm căng bóng da tại đây. 

Hình ảnh nhiễm trùng nặng, da sưng mủ lỗ chỗ như tổ ong của chị Hương sau khi làm đẹp tại một spa "cỏ"  (ảnh nhân vật cung cấp)

Để tìm hiểu rõ hơn về những phương pháp làm đẹp gây biến chứng, Pháp Luật Plus đã có trao đổi với  Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng Khoa công nghệ và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng Khoa công nghệ và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Hiện tượng của chị Hương da đã bị nhiễm trùng, đó là 1 biến chứng có thể gặp sau khi thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ, trong đó thẩm mỹ da. Nguyên nhân có thể là do khi thực hiện các thao tác thẩm mỹ không được tiến hành vô khuẩn đầy đủ... Qua hình ảnh thì tôi thấy bệnh nhân này đã có những biến chứng như sưng nề, bầm tím và bắt đầu hoại tử da tại các điểm tiêm”.

 Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Minh – Phó trưởng Khoa công nghệ và ứng dụng tế bào gốc Bệnh viện Da liễu Trung ương (ảnh Internet)

Giống như chia sẻ của chị Hương với Pháp Luật Plus sau khi đã đi khám tư, bác sĩ Minh cũng khẳng định: “Đối với tình trạng của bạn gái này, khả năng để điều trị khỏi hoàn toàn để trở lại da như ban đầu là khá khó khăn, nếu không muốn nói là gần như không thể.

Bởi vì các hoạt chất được đưa vào trong da là gì thì chúng tôi cũng không xác định được, trong khi tình trạng hiện nay thì các biến chứng khá nặng nề do da có phản ứng dị ứng với hoạt chất mà bệnh nhân được tiêm vào. Như vậy nếu coi các hoạt chất đó là chất gây dị ứng với da, thì đối kháng gần như không biết là gì. Chúng ta chỉ có thể giúp bạn ấy bằng cách xử lí như một ổ viêm bằng cách như nạo bỏ tổ chức, và dùng các thuốc hỗ trợ như kháng sinh và kháng dị ứng... Thời gian điều trị cũng sẽ kéo dài, nguy cơ sẹo sẽ khá cao”.
 
Được biết, loại thuốc có tên là Pillox đã được dùng để tiêm cho chị Hương, chúng tôi có hỏi bác sĩ Minh về loại thuốc này và được nhận định như sau: “Tên thuốc là Pillox, tuy nhiên không thấy rõ thành phần hoạt chất là gì? Chúng ta thấy các bạn Spa quảng cáo tiêm căng bóng, tiêm trắng sáng với chất này chất kia, nhưng thực sự các bạn ấy cũng không nắm rõ được thành phần của nó là gì, tính chất tác dụng thế nào...

Tuy nhiên, một hoạt chất nào đó dù được phép cho nhập vào Việt Nam, có giấy phép rõ ràng, thì người được phép tiêm cũng cần là cán bộ y tế, phải được đào tạo đầy đủ, có chứng chỉ hành nghề đúng lĩnh vực này. Nếu không được đào tạo, không có kiến thức y khoa, thì rất dễ biến chứng khi thực hiện như vô trùng không tốt, tiêm sai vị trí, sai lớp, hay lựa chọn chỉ định sai với người có nguy cơ dị ứng hoạt chất đó...”.

Thuốc Pillox chưa rõ thành phần hoạt chất là gì được dùng để tiêm cho khách (Ảnh nhân vật cung cấp.

Bác sĩ Nguyễn Quang Minh khẳng định: "Chỉ có đơn vị là cơ sở y tế được cấp phép thì mới được thực hiện các liệu pháp có tính chất điều trị. Đặc biệt, các đơn vị spa chỉ được phép thực hiện các liệu pháp chăm sóc không phải là y khoa, tuyệt đối không được thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật như tiêm (toxin, filler, meso), căng chỉ, cắt mí, hút mỡ... Luôn luôn nhớ là phải biết người thực hiện thủ thuật cho mình là ai, có phải nhân viên Y tế không, cũng cần nắm rõ cơ sở đó có được phép làm các thủ thuật đó không. Đồng thời phải biết sản phẩm tiêm vào mình có an toàn và hiệu quả không?".

Ham làm đẹp nhưng lại chấp nhận đưa chân lựa chọn những spa "cỏ" sẽ khiến sắc đẹp của chị, em ảnh hưởng. Để hạn chế tình trạng chữa “lợn lành thành lợn què” để rồi phải hoang mang nhập viện “chữa cháy” chị em cần tỉnh táo trong việc chọn lựa những cơ sở thẩm mỹ uy tín.

Trước hàng loạt những vụ biến chứng “kinh hoàng” vừa xảy ra do tiêm mỡ tự thân, tiêm filler (chất làm đầy), đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ, và đặc biệt là các spa “cỏ” đang có dấu hiệu mọc lên như nấm gần đây, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động quảng cáo trái phép của họ trên mạng xã hội.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: "Loạn" mỹ phẩm không tem nhãn tại chuỗi cửa hàng Coco Shop, Skin House

Coco Shop, Skin House đều là những hệ thống cung cấp mỹ phẩm được giới trẻ ưa chuộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm được bày bán tại hệ thống các cửa hàng mỹ phẩm nhập khẩu này lại không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định pháp luật. Liệu phải chăng những sản phẩm này đang có sự “mập mờ” về chất lượng, “nói dối” người tiêu dùng?

Nguồn: Pháp luật Plus