Xử lý nghiêm trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc

03/08/2020 07:45

Kinhte&Xahoi Chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 2/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo – nhấn mạnh yêu cầu lên án và xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc.

Những người không cách ly, không khai báo nghiêm túc sẽ bị xử lý nghiêm.

Vì sao số lượng ca mắc Covid-19 tăng nhanh?

Tại cuộc họp, phân tích diễn biến tình hình dịch bệnh tại TP Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đây là ổ dịch phức tạp nên công tác đối phó căng thẳng, khó khăn hơn; dự báo kéo dài hơn so với các ổ dịch trước đó. 

Qua phân tích yếu tố dịch tễ, sinh học phân tử và các yếu tố liên quan, mức độ bùng phát ổ dịch Đà Nẵng nhanh hơn. Giải thích về việc này, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, chủng mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập từ nước ngoài vào làm tăng khả năng cảm nhiễm, bám dính, lây lan nhanh.

Với việc hệ số lây nhiễm cơ bản vào khoảng 6-10 (trước đây khoảng 1,8-2,2; trong khi muốn kiểm soát dịch bệnh phải đạt hệ số dưới 1, tỷ lệ F2 bị mắc Covid-19 sẽ tăng lên, điển hình tại Quảng Nam, các ca F2 hiện chiếm khoảng 60% tổng số ca nhiễm bệnh.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính từ ngày 1/7 đến ngày 29/7, lượng người trở về từ Đà Nẵng hoặc đi đến cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước khoảng 1,4 triệu người.

Tâm dịch lớn nhất của ổ dịch Đà Nẵng là cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng với khoảng 800.000 người đến khám và qua lại, trong đó có 46.000 người đến khám chữa bệnh. “Thời gian tới, chắc chắn sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm mới ở một số địa phương khác trên địa bàn Đà Nẵng cũng như trên cả nước”, ông Nguyễn Thanh Long khẳng định. 

Vẫn theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, trên tinh thần tập trung cao độ, tối đa nhằm kiểm soát, dập ổ dịch tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tập trung tối đa các giải pháp như bổ sung lực lượng tinh nhuệ điều trị; tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch với 63 tỉnh, TP; ban hành các Thông báo khẩn; ban hành hướng dẫn đánh giá Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch; quyết liệt, chủ động chỉ đạo hệ thống các bệnh viện “lên dây cót”, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch liên quan đến quy trình khám chữa bệnh, tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ… 

Do tình hình ca nhiễm F1 ngày càng tăng, Cục trưởng Cục Quân Y, Bộ Quốc Phòng Nguyễn Xuân Kiên đề xuất khi hết chỗ cách ly tập trung, cho phép các ca F1 cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sớm tại nhà; đồng thời phong tỏa những địa điểm có đông ca F1. Ông cũng đề nghị các bệnh viện kích hoạt lại hệ thống khám chữa bệnh từ xa; đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh. 

Siết lại toàn bộ hệ thống chống dịch

Phát biểu tại cuộc họp, trên cơ sở xác định đúng dự báo ban đầu về tình hình của Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục siết toàn bộ hệ thống chống dịch của các ngành Y tế, Quân đội, Công an. Cùng với đó, Phó Thủ tướng lưu ý việc rà soát, bảo vệ đối tượng người già, người có bệnh nền; rà soát lại quy trình khám chữa bệnh trong bệnh viện, chú ý bảo vệ, phòng thủ tại những khoa có bệnh nhân nặng. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, bên cạnh việc tập trung xử lý tâm dịch tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, thời gian tới cần mở rộng tập trung kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng ở Đà Nẵng cũng như các địa bàn đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Nam; đề phòng nhiều người nhiễm trong cộng đồng được phát hiện.

Trên tinh thần cách ly tối đa ca nhiễm F1, Phó Thủ tướng nêu rõ, trong trường hợp hết khả năng cách ly tập trung sẽ hướng dẫn, xem xét, bổ sung phân loại nhằm cách ly F1 tại nhà (tuỳ vào điều kiện từng ca F1). Vẫn theo Phó Thủ tướng, bên cạnh ý thức tự giác của người dân, lực lượng Công an cần phối hợp với ngành Y tế tăng cường kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện cách ly tại nhà. 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc. “Mỗi một người dân phải có trách nhiệm vì cộng đồng. Các cấp chính quyền có trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan”, Phó  Thủ tướng nêu rõ. 

Minh Ngọc - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tìm chỗ đứng cho sản phẩm OCOP

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dự kiến đến hết năm 2020, Hà Nội sẽ có 1.000 sản phẩm được công nhận, cấp sao. Để các sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, các cấp, ngành chức năng thành phố đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả, từ đó tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế của các địa phương.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/xu-ly-nghiem-truong-hop-khong-khai-bao-y-te-khong-cach-ly-nghiem-tuc-d131090.html