Xuất khẩu - điểm sáng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19: Tận dụng tốt thời cơ

02/04/2020 14:40

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, một số lĩnh vực suy giảm khá mạnh trong quý I-2020. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu vẫn là một điểm sáng, tạo ra vị thế xuất siêu nhờ một số lĩnh vực, sản phẩm trụ vững, thậm chí gia tăng sự hiện diện trên thị trường thế giới nhờ phát huy năng lực và tận dụng tốt thời cơ.

Trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19, lĩnh vực xuất khẩu vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành

Điểm danh 8 nhóm sản phẩm dẫn đầu

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu (EU) và Hoa Kỳ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu quý I-2020 vẫn đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019; cán cân thương mại quý I thặng dư 2,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019 xuất siêu 1,5 tỷ USD). Đóng góp quan trọng vào kết quả trên là 8 nhóm sản phẩm lớn, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Đi sâu phân tích kết quả xuất khẩu cho thấy, điện thoại và linh kiện nổi lên đứng vị trí hàng đầu, với kim ngạch xuất khẩu tới 12,4 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu quý I-2020. Tiếp theo là hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4,7 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2 tỷ USD; thủy sản đạt 1,6 tỷ USD. Đặc biệt, trong khó khăn nhưng nhóm gỗ và sản phẩm gỗ (trong đó chủ yếu là sản phẩm gỗ nội thất) vẫn chinh phục được khách hàng khó tính tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản…, với kim ngạch 2,5 tỷ USD.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho rằng, kết quả xuất khẩu của nhóm hàng chủ lực là rất ấn tượng trong bối cảnh khó khăn bao trùm toàn cầu, trong đó Tổ hợp Samsung Việt Nam đóng vai trò chủ đạo, thông qua việc ra mắt và xuất khẩu dòng điện thoại thông minh S20. Nguyên nhân quan trọng khác là do sự phân công sản xuất theo đơn hàng được các tập đoàn mẹ chỉ định cho hệ thống cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Nói cách khác, đó là kết quả trong việc đón bắt nhu cầu thị trường, thu hút đầu tư và chủ động hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu thông qua việc sớm ký kết hợp đồng.  Một yếu tố cũng rất quan trọng là công tác bảo đảm an toàn sức khỏe người lao động trong phòng chống dịch Covid-19 ở Tổ hợp Samsung Việt Nam được thực hiện rất tốt nên không bị ảnh hưởng tới duy trì sản xuất.

Theo đánh giá của ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thực tế kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực thể hiện sự đúng đắn trong định hướng thu hút đầu tư từ các tập đoàn quốc tế có công nghệ hiện đại và khả năng sáng tạo để hỗ trợ việc chuyển dịch cơ cấu, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước. “Xét về nguyên nhân trực tiếp, xuất khẩu tăng chủ yếu do sự điều tiết của thị trường toàn cầu. Song, bên cạnh đó cũng là sự nỗ lực của nhà sản xuất khi bản thân họ cũng gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Phan Hữu Thắng bình luận.

Chuẩn bị bài bản, đón những cơ hội mới

Lắp ráp điện thoại tại Công ty Samsung Việt Nam, một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020. Ảnh: Hải Anh

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, không phải ngẫu nhiên mà các nhóm hàng nói trên được coi là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thực tế, trong nhiều năm qua, nhóm hàng này vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhìn chung, đó đều là những sản phẩm có sức cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu. Đơn cử, mặt hàng điện thoại và điện tử đang giữ vững nhịp độ xuất khẩu do đón bắt được nhu cầu gia tăng liên lạc, kết nối trong bối cảnh hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19. “Đón bắt cơ hội, phát huy năng lực sản xuất rồi hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu thông qua hợp đồng ký kết sớm… là bài học quan trọng rút ra, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp”, ông Ngô Trí Long nhận định.

Về khả năng xuất khẩu của 8 nhóm hàng chủ lực trong thời gian tới, ông Phạm Đình Thúy cho rằng: “Sản phẩm điện thoại sản xuất tại Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần, bởi nhà đầu tư Samsung đang đẩy nhanh quá trình xây dựng các cứ điểm sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, LG cũng đang thiết lập nhà máy sản xuất điện thoại phân khúc trung và cao cấp tại Hải Phòng”.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dự báo dư địa cho xuất khẩu đồ gỗ còn rất lớn vì sản phẩm gỗ Việt Nam mới chiếm khoảng 6% trong tổng giá trị khoảng 450 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ mỗi năm của thế giới. Yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về chất lượng, bảo quản; đặc biệt là xuất xứ gỗ nguyên liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, cần chủ động liên kết, tăng cường công tác tiếp thị, tạo chuỗi giá trị sản phẩm và nỗ lực khép kín chu trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản và nhiều hàng hóa khác vào thị trường có sức mua cao hàng đầu thế giới. Hội đồng Liên minh châu Âu vừa thông qua quyết định phê chuẩn EVFTA ngày 30-3, nên khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn (dự kiến vào mùa hè này), EVFTA chính thức có hiệu lực. Khi đó, rất nhiều dòng thuế sẽ được cắt giảm. “Tuy nhiên, sự chuẩn bị của mỗi đơn vị xuất khẩu là rất cần thiết, đòi hỏi sự nghiêm túc, bài bản vì nếu không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe, nhất là về tiêu chuẩn và xuất xứ, thì cũng khó tận dụng được cơ hội”, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị.

Trong khi đó, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu thủy sản sang EU có thể tăng trưởng trên 20% trong năm 2020 và tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do khác, nên nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng trước thời cơ thuận lợi để xuất khẩu, đặc biệt khi dịch Covid-19 lắng xuống và nhiều nước sẽ tăng cường nhập khẩu để bù đắp.

Trong nguy có cơ, nền kinh tế vẫn có một số ngành, lĩnh vực duy trì tăng trưởng, nhất là xuất khẩu. Điều đó cho thấy, nếu tận dụng tốt thời cơ, phát huy năng lực, Việt Nam vẫn có thể duy trì nhịp độ xuất khẩu, thậm chí là tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian còn lại của năm 2020.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cuộc giao thương trực tuyến đầu tiên trên thế giới trong mùa dịch Covid-19

Lần đầu tiên, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM- Bộ Công Thương) đã phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Phát triển Ngoại thương Tứ Xuyên, Trung Quốc tổ chức cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm phòng chống dịch Covid-19 Trung Quốc.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/963094/xuat-khau---diem-sang-kinh-te-trong-boi-canh-dich-covid-19-tan-dung-tot-thoi-co