Mái tôn của một cây xăng ở phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà bay xa hàng chục mét
Nạn nhân tử vong là ông Lương Văn Tư (47 tuổi, người Nam Định, trú tại Phong Mỹ, làm công nhân đường cao tốc Cam lộ - La Sơn), bị nạn tại thôn Huỳnh Liên, xã Phong Thu do cây đổ ngã vào lúc 9h30 ngày 18/9.
Trong số 95 người bị thương, huyện Phong Điền có 15 người, thị xã Hương Trà: 10 người, huyện Phú Lộc: 1 người, huyện Phú Vang: 15 người, huyện Quảng Điền 19 người, Thành phố Huế: 18 người.
Một người chết do cây đè
Bão số 5 cũng khiến 10 ngôi nhà bị sập; trong đó: huyện Phú Lộc: 3 nhà, thị xã Hương Trà: 5 nhà; huyện Quảng Điền: 2 nhà.
Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế có tới 21.283 nhà tốc mái. Cụ thể: Thành phố Huế có 1.306 nhà; thị xã Hương Thủy 1.459 nhà; thị xã Hương Trà 7.791 nhà; huyện Phong Điền 2.725 nhà, huyện Quảng Điền 5833 nhà, huyện A Lưới: 2 nhà, huyện Phú Lộc: 95 nhà.
Diện tích rau màu bị thiệt hại 95ha. Diện tích rừng bị gẫy ngã 1.130ha (huyện Phong Điền 200ha, huyện Phú Lộc 300ha và thị xã Hương Trà 630 ha). Diện tích cây ăn quả bị thiệt hại 300ha. Hơn 30 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại.
Thiệt hại về thông tin liên lạc: VNPT Thừa Thiên - Huế đứt 4 tuyến cáp quang do cây gãy đỗ. Còn Viettel 10 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đỗ. Mobifone Thừa Thiên Huế cũng có 120 trạm BTS mất sóng do mất điện diện rộng toàn tỉnh vẫn chưa ứng cứu kịp.
Toàn tỉnh có hàng trăm cột điện bị gãy. Ngành điện nơi đây đang huy động 550 nhân lực để khắc phục lưới điện.
Cố đô Huế “chảy máu xanh” sau bão số 5
Học sinh các cấp được nghỉ học ngày 18-19/9. Có 15 phòng học bị tốc mái hư hỏng.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 nên khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có gió mạnh, kết hợp triều cường, sóng lớn cao đã làm bờ biển tiếp tục sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 10m, dài khoảng hơn 6,2 km tập trung tại các khu vực như: bờ biển xã Phú Thuận: 2 km; xã Phú Hải và xã Phú Diên: 2km; Vinh Thanh: 0,7 km; xã Giang Hải: 1 km, đoạn cửa Lạch Giang xã Lộc Vĩnh: 0,2 km; xã Hải Dương: 0,3 km.
Cơn bão này cũng làm tốc mái nhà quản lý vận hành hồ chứa nước Khe Ngang, nhà quản lý công trình đập Thảo Long; tốc mái nhiều trạm bơm tưới, tiêu như: trạm bơm Phong Hiền, trạm bơm Tây Hưng 2, trạm bơm Quảng Thành 2 ... với khối lượng hơn 300 m2
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã triển khai thực hiện các nội dung Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo TW về PCTT; UBND tỉnh về ứng phó với bão số 5. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp và thành lập các đoàn về địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 5.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó với bão số 5, đảm bảo an toàn cho người dân, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại, cụ thể: Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh: 220 cán bộ, chiến sỹ; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: 200 chiến sỹ; Công an tỉnh đã điều động 2.000 chiến sỹ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm hỏi người bị thương do cơn bão số 5 gây ra
Sau cơn bão, các địa phương đều đã hỏi thăm, động viên các gia đình có người chết, người bị thương. Các huyện, thị xã và thành phố Huế huy động các lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị tốc mái, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân.
Trong 2 ngày cuối tuần, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu tất cả lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân viên chức, đoàn thể, học sinh, sinh viên trên địa bàn phát huy tinh thần “Ngày Chủ nhật xanh” tập trung ra quân tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; triển khai sớm các biện pháp phục hồi sản xuất.
Lê Tám Bảy - Pháp luật Plus