Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT về Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài có hiệu lực từ ngày 22/11/2021.
Quy chế này quy định về thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (thi đánh giá năng lực tiếng Việt), bao gồm: mục đích, nguyên tắc; Hình thức thi; Chứng chỉ; Đơn vị tổ chức thi; đối tượng dự thi và đăng ký dự thi, Hội đồng thi; Đề thi; Tổ chức thi; chấm thi và phúc khảo; Duyệt kết quả thi, quản lý chứng chỉ, báo cáo và lưu trữ hồ sơ thi; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Chứng chỉ tiếng Việt được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6 của Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Ảnh minh họa
Áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; các Sở GD&ĐT, các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hình thức thi: Các kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức theo hình thức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính (sau đây gọi là máy tính); Kỹ năng nói được tổ chức theo hình thức thi nói trực tiếp trước giám khảo hoặc thi nói trên máy tính; Đối với từng kỳ thi, đơn vị tổ chức thi thông báo về hình thức thi trên giấy hay trên máy tính, thi nói trực tiếp trước giám khảo hay nói trên máy tính để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.
Thêm quyền lợi cho giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục Đại học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 2/11/2021 và thay thế Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT ngày 1/6/2012.
Thông tư này quy định về quản lý và tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên; Trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục Đại học.
Thông tư này áp dụng đối với cơ sở giáo dục Đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Thông tư quy định trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học như sau:
Người hướng dẫn có trách nhiệm tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và các quy định hiện hành.
Người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục Đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. (Trước đây chỉ quy định được tính giờ nghiên cứu khoa học).
Người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc các kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác. (Bổ sung trường hợp nghiên cứu khoa học đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước).
Hướng dẫn quản lý kinh phí thực hiện tập huấn, bồi dưỡng giáo viên
Thông tư số 83/2021/TT-BTC ngày 4/10/2021 của Bộ Tài Chính hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2021.
Nội dung Thông tư không điều chỉnh đối với việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về sách giáo khoa do các nhà xuất bản thực hiện.
Áp dụng đối với các đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa làm căn cứ để các Bộ, địa phương, các cơ sở giáo dục lập dự toán chi cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cụ thể cho phù hợp để thực hiện ở địa phương.
Khuyến khích vận dụng các nội dung chi, định mức chi quy định tại Thông tư này để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bằng nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Hùng Tâm - Pháp luật Plus