Trong báo cáo này, HoREA nhận định có 6 nhân tố sẽ tác động đến thị trường bất động sản 2019. Trong đó có 2 nhân tố khách quan và 4 nhân tố chủ quan.
Về nhân tố khách quan, theo HoREA, nhân tố thứ nhất là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn và xu thế giá dầu tăng mạnh có tác động đến nền kinh tế và thị trường bất động sản nước ta. Nguồn vốn FDI đầu tư vào thị trường công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, bất động sản dự báo vẫn đang có xu thế gia tăng trong năm 2019.
Vấn đề đặt ra đối với thị trường bất động sản là tận dụng lợi thế của đất nước để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam và thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI, nguồn vốn của kiều bào ở nước ngoài để bổ sung, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Thứ hai là các doanh nhân và doanh nghiệp nước ngoài đã bổ sung cho doanh nhân và doanh nghiệp bất động sản Việt Nam về tầm nhìn, vốn, văn hóa kinh doanh, phong cách kiến trúc, kỹ năng quản lý dự án, quản trị doanh nghiệp, tăng thêm tính minh bạch và tính giải trình.
Đối với các nhân tố chủ quan thì thể chế, hệ thống pháp luật là nhân tố quyết định để kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Mà cụ thể là thủ tục hành chính, con người hành chính thực thi pháp luật là nhân tố có vai trò quyết định trực tiếp.
Hiện nay, các doanh nghiệp nhận thấy Chính phủ rất quyết tâm trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một trụ cột của nền kinh tế.
Đồng thời, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thực hiện thí điểm cơ chế phát triển đặc thù đối với TP.HCM đã phân cấp nhiều thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân và UBND TP.HCM.
Nhiều nhân tố tác động đến thị trường BĐS 2019. Ảnh minh họa.
Trong đó, có việc phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất đối với các khu đất có diện tích từ 10ha trở lên, tạo điều kiện cho TP.HCM chủ động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, quy hoạch Vùng TP.HCM mà trực tiếp là Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM định hướng đến năm 2030, Chương trình di dời chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng, Đề án xây dựng đô thị thông minh, Đề án xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông TP HCM sẽ giúp thị trường bất động sản khởi sắc.
Kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch triển khai thực hiện các dự án khu đô thị mới, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị... là những nhân tố định hướng sự phát triển thị trường bất động sản bền vững.
Hiện nay, rất nhiề doanh nghiệp và doanh nhân BĐS có năng lự cả về tài chính và quản trị doanh nghiệp, coi trọng xây dựng uy tín thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp. Đã có sự gắn kết hữu cơ giữa doanh nghiệp BĐS và ngân hàng thương mại, đã dần hình thành lớp người tiêu dùng có trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng có một số chủ đầu tư, đơn vị môi giới, cò đất, cò nhà kinh doanh kiểu chụp giật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Vì vậy, về mặt chủ quan, HoREA đã kiến nghị quan tâm xử lý tình trạng thiếu hụt nguồn cung qũy đất sạch phục vụ đầu tư phát triển và thiếu hụt nguồn cung dự án bất động sản. Tình trạng này chắc chắn chưa thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều, nên sẽ tác động lớn đến quan hệ cung - cầu, giá cả trên thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý các dự án bất động sản có nguồn gốc sử dụng quỹ đất công mà không thực hiện đấu thầu rộng rãi, hoặc không thực hiện đấu giá đất công khai để lựa chọn nhà đầu tư, HoREA cũng đề nghị quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của các chủ đầu tư ngay tình và khách hàng đã mua nhà trong dự án.
Theo KD&PL