Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá, thời gian qua, đặc biệt là trong 4 đợt giãn cách xã hội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đồng sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân; Xác định phương châm phòng, chống dịch từ sớm, từ xa và chuẩn bị các điều kiện ở cấp độ cao hơn với những giải pháp trúng, đúng để tránh bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra.
Thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và bảo vệ an toàn cho Thủ đô. Tuy nhiên, theo Ban Thường vụ Thành ủy, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với các biến chủng mới tại bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.
Ảnh minh họa
Nguy cơ sẽ tăng cao khi cả nước thực hiện nới lỏng và cho phép các phương tiện vận tải hành khách hoạt động trở lại. Tại Hà Nội, mặc dù đã cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi nhưng số người trên 50 tuổi trả mũi 2 còn thấp (khoảng 20%). Số lượng người cao tuổi, người có bệnh nền không đủ điều kiện tiêm vẫn rất lớn. Trong khi đó, dự kiến có hàng triệu sinh viên, người lao động, các nhà đầu tư, chuyên gia, doanh nghiệp từ các địa phương khác chưa hoàn thành công tác tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 sẽ trở lại và hoạt động trên địa bàn thành phố.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở thực hiện tốt 7 nhóm nội dung nhiệm vụ.
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc quan điểm tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; Phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; Thống nhất trong việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; Bảo đảm an dân, an sinh, trật tự, an toàn xã hội. Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; Động viên sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là chính quyền cơ sở.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; Huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; Phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch; Nêu cao vai trò của chi bộ thôn, tổ dân phố, cán bộ, đảng viên tại cơ sở và nơi cư trú, sự vào cuộc một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa của hệ thống chính trị ở cơ sở, của Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng (do lực lượng Công an cơ sở làm nòng cốt), các lực lượng dân quân tự vệ, dẫn phòng, đội tự quản, các đoàn viên, hội tự viên, nhất là đoàn viên thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh... trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các biện pháp của người dân trên địa bàn, theo dõi, giám sát di biến động dân cư, nhất là người từ các địa phương khác về thành phố.
Thứ ba, tập trung đầu tư, tiếp tục hiện đại hoá, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; Rà soát trang thiết bị các trạm y tế xã, phường, thị trấn; Có kế hoạch bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế (nhất là ô xy) đầy đủ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm người dân được tiếp cận y tế sớm nhất; Đồng thời, thiết lập các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất, kinh doanh được bình thường.
Phối hợp với Bộ Y tế báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia đảm bảo phân bổ vắc xin kịp thời để thực hiện tiêm phủ mũi 2 theo kế hoạch đã đề ra và sớm tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi trên địa bàn thành phố.
Duy trì công tác xét nghiệm tầm soát các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của ngành Y tế; Khi phát sinh FO khẩn trương phong tỏa, cách ly, khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, truy vết nhanh, xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian ngắn nhất để xử lý kịp thời, kiểm soát hiệu quả.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, tiếp tục xã hội hóa công tác an sinh xã hội trong thời gian tới đảm bảo không bỏ sót đối tượng và không ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ năm, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh đảm bảo hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hoá, không để xảy ra ách tắc cục bộ... bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ để bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi cho người dân khi sử dụng và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Thứ bảy, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là ở cấp cơ sở về công tác tổ chức thực hiện và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi; Phát hiện và chấn chỉnh ngay những nơi thực hiện chưa nghiêm túc, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Tú Linh - TTTĐ