Ai được tiêm và không được tiêm vaccine Covid-19?

20/06/2021 08:59

Kinhte&Xahoi Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng Covid-19, người đến tiêm sẽ được phân loại thành 4 nhóm: Người đủ điều kiện, người cần thận trọng, đối tượng phải trì hoãn và nhóm chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19.

 Người đến tiêm chủng sẽ được khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19.

Người đủ điều kiện tiêm bao gồm:

- Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

- Người không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc tá dược trong thành phần của vaccine.

- Người không thuộc 3 nhóm còn lại.

Người cần thận trọng: Những trường hợp này cần được khám sàng lọc kỹ và tiêm tại cơ sở y tế đủ năng lực hồi sức cấp cứu.

- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.

- Người mất tri giác, năng lực hành vi.

- Người trên 65 tuổi.

- Người có tiền sử giảm tiểu cầu hay rối loạn đông máu.

- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường về mạch, huyết áp, nhịp thở.

Người phải trì hoãn:

- Người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.

- Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Bệnh nhân từng mắc Covid-19 trong 6 tháng.

- Phụ nữ mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Người không được tiêm:

- Người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

- Người chống chỉ định theo công bố của nhà sản xuất.

Hiện công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 đang được Bộ Y tế triển khai quyết liệt đáp ứng phòng chống dịch. Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế cũng yêu cầu nhân viên y tế khám sàng lọc phải được tập huấn chuyên môn về khám sàng lọc trước tiêm chủng. Mỗi điểm tiêm cần phải có 1 bác sĩ lâm sàng.

Ngoài ra, các điểm tiêm phải có những trang thiết bị tối thiểu để cấp cứu cơ bản.Theo đó, cần chuẩn bị hộp chống sốc; chuẩn bị sẵn 1 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin (chống sốc phản vệ) 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp). Nếu có sự cố thì phải tiêm luôn, nhanh nhất có thể.

Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml. Cùng đó, đội cấp cứu hỗ trợ, xử trí cấp cứu tai biến nặng sau tiêm chủng cũng phải sẵn sàng.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với vaccine Covid-19 AstraZeneca, mũi tiêm thứ 2 sẽ được tiêm cách mũi thứ nhất sau 8 – 12 tuần. Hai mũi tiêm yêu cầu phải thuộc 1 loại, tức nếu mũi thứ nhất, người tiêm sử dụng vaccine AstraZeneca thì mũi thứ 2 cũng phải tiếp tục tiêm vaccine này.

 Nhật Nguyên - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ai-duoc-tiem-va-khong-duoc-tiem-vaccine-covid-19-424241.html