Khó giải bài toán điều chỉnh giá cước
Đứng trước tình trạng giá xăng dầu trong nước có xu hướng tiếp tục tăng, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã buộc phải điều chỉnh giá cước để bù đắp chi phí. Việc tăng giá nhằm đảm bảo hài hòa về quyền lợi trong hoạt động kinh doanh và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Trong kỳ điều chỉnh giá ngày 11/3 vừa qua, xăng E5RON92 tăng 2.908 đồng/lít, lên mức 28.985 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 2.990 đồng/lít đồng lên mức 29.824 đồng/lít; Dầu diesel tăng 3.958 đồng/lít, lên mức 25.268 đồng/ lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 2.519 đồng/kg, lên mức không cao hơn 20.987 đồng/kg... Đây là đợt điều chỉnh tăng giá lần thứ 7 liên tiếp và là mức giá xăng cao “kỷ lục” kể từ năm 2005 đến nay, trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới “leo thang”.
Trước bối cảnh xăng dầu trong nước liên tục tăng giá, Grab Việt Nam đã chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Đơn vị này là hãng xe công nghệ đầu tiên thực hiện tăng giá cước trong bối cảnh giá xăng, dầu đang ngày càng tăng cao gần đây, áp sát mức 30.000 đồng/lít.
Theo Grab Việt Nam, việc điều chỉnh giá cước lần này là để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là động thái của doanh nghiệp nhằm giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế, khuyến khích để họ có động lực tích cực làm việc thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống.
Giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao và có xu hướng tiếp tục tăng đã tác động trực tiếp đến lĩnh vực vận tải cùng nhiều ngành nghề kinh doanh khác
Anh Trần Văn Điệp (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), tài xế chạy Grab cho hay: "Các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông - vận tải vốn đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài thì nay lại tiếp tục “lao đao” khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao. Do vậy, khi nhận được thông tin chính thức về việc điều chỉnh giá cước, tôi cũng như nhiều tài xế khác cảm thấy rất vui mừng. Việc tăng giá cước này trong bối cảnh giá xăng vừa tăng cao so với thời điểm giãn cách xã hội là hoàn toàn hợp lý.
Giá xăng đã liên tục tăng lên thì giá cước cũng nên điều chỉnh để tài xế có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Mỗi đơn hàng cũng chỉ tăng thêm vài nghìn đồng thôi nhưng cũng đỡ hơn là không tăng và giữ mức giá cũ”.
Cước tăng, cả hãng Grab và tài xế Grab đều hưởng lợi và có thu nhập cao hơn theo tỉ lệ khấu trừ 33% tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế. Trước động thái tăng giá của Grab, một số tài xế hãng xe công nghệ khác cũng đang "nóng ruột" trước thông tin dự báo giá xăng có thể tiếp tục tăng trong kỳ điều chỉnh sắp tới.
"Tài xế chạy một ngày 16 tiếng đồng hồ, có ngày phải đổ xăng 2 lần. Xăng mà tăng trên 30.000 đồng/lít thì dịch vụ, hàng hóa khác cũng sẽ lên theo. Chỉ mong công ty có hướng điều chỉnh phù hợp để đỡ chi phí, còn thực sự tăng giá cước mà không có khách thì cũng trở thành bất cập", anh Vũ Tấn Tài, tài xế Be tâm sự.
Đỡ ''gánh nặng'' cho doanh nghiệp vận tải
Có thể thấy rằng, trong hai năm qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải vốn đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài thì nay lại tiếp tục “lao đao” khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao. Nếu tình trạng khó khăn vẫn cứ tiếp diễn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị dồn đến mức phá sản.
Ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân có đoàn xe khách chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai cho hay: Giai đoạn bình thường, chi phí nhiên liệu của đoàn xe hơn 4 tỷ đồng/tháng. Đến nay, khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp, mỗi tháng, doanh nghiệp mất thêm khoảng 400 triệu đồng, vì thế khó khăn thêm chồng chất.
Trong hai năm qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải vốn đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài thì nay lại tiếp tục “lao đao” khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao
Không chỉ vận tải hành khách gặp khó mà các doanh nghiệp khối vận tải hàng hóa cũng đang "ngồi trên đống lửa". Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Văn Tiến tính toán: Xăng, dầu chiếm gần 40% cơ cấu giá thành vận tải. Giá xăng, dầu tăng cao, tỷ lệ này càng lớn và doanh nghiệp sẽ không có lãi. Trước mắt, doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ thương lượng điều chỉnh giá cước vận chuyển theo tỷ lệ tăng của xăng, dầu. Dù lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận chạy để giữ thị trường, giữ khách hàng, lái xe và trang trải các chi phí vay vốn ngân hàng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại của người dân rất thấp. Giá xăng, dầu lại tăng nên để cân đối thu chi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Giá cước tăng cao cũng sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vì doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tính vào cơ cấu giá thành. Dự đoán, các doanh nghiệp sẽ tăng giá cước khoảng 4-5%.
Đồng quan điểm sẽ phải cân nhắc tăng giá cước cho phù hợp với tình hình mới, Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc Nguyễn Công Hùng thông tin: Dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng, dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập và bỏ việc. Xăng, dầu chiếm 35-40% trong cơ cấu giá thành vận tải nên khi mặt hàng này tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải.
Dự báo giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng trong kỳ điều chỉnh tới. Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải như có thể tạm thời điều chỉnh giảm các khoản thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng, dầu để giúp doanh nghiệp bớt áp lực.
Thanh Hà - TTTĐ