Xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Batdongsan.com.vn)
Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhật Đức phải hoàn thiện hạ tầng
Ngày 21/7/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất sau khi đã đầu tư xây dựng hạ tầng tại Khu nhà ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du.
Trong văn bản trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã cho phép Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhật Đức – là đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 24/10/2019, diện tích 27.035,5m2, trong đó diện tích đất ở 10.783,0m2 (118) lô chuyển quyền sử dụng đất sau khi xây dựng xong hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở tại dự án Khu nhà ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du theo đúng tinh thần tại Văn bản số 2601/BXD-PTĐT ngày 8/7/2021 của Bộ Xây dựng và các quy định của pháp luật hiện hành.
UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ quan điểm, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhật Đức chỉ được phép chuyển quyền sử đụng dất cho người dân tự xây dựng nhà ở sau khi dự án đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (đường giao thông, cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước, thông tin viễn thông, xử lý nước thải…) theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân khi đến ở và phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện theo quy định.
“Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan, UBND huyện Tiên Du hướng dẫn thực hiện đảm bảo đúng quy định”, văn bản của UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ.
Theo tìm hiểu của Pháp luật Plus, UBND tỉnh Bắc Ninh vào ngày 24/10/2019 từng ban hành Quyết định số 681/QĐ-UBND Về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất dự án Khu nhà ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du.
Đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất là Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhật Đức, có địa chỉ trụ sở chính tại số 228, phố Chợ Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, diện tích khu đất là 27.035,5m2 (trong đó diện tích đất ở đấu giá 10.783,0m2) theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chỉ tiết số 1318/QĐ-UBND ngày 12/6/2019 của UBND huyện Tiên Du.
Cụ thể như sau: Đất ở (118 lô): 10.783,0m2; Đất cây xanh, TDTT: 3.728,2m2, Đất trường mầm non: 2.587,9m2; Đất bãi đỗ xe: 676,2m2;Đất giao thông, rãnh thoát nước: 9.260,2m2.
Mục đích, hình thức sử dụng đất đó là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu nhà ở tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du.
Giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là 45.842.423.000 đồng. Trong đó, giá trị quyền sử dụng đất là 36.616.868.000 đồng; Giá trị tài sản gắn liền với đất là 9.225.555.000 đồng.
Nhà đầu tư cần "soi" kỹ pháp lý để tránh mua phải lúa non
Theo nhận định của giới chuyên gia bất động sản, khi mua bất động sản hình thành trong tương lai, người mua cần cẩn trọng xem xét tính pháp lý của dự án trước khi ký kết các văn bản giao dịch, tránh để rơi vào vào tình trạng "mua lúa non", dự án chưa đủ điều kiện pháp lý.
Tại Điều 55, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 nêu điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải đảm bảo:
Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng,giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Trường hợp tại Dự án Khu nhà ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du sẽ thuộc khoản 1, điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Muốn bán được sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư phải có được trong tay văn bản "nghiệm thu về việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật" thì mới được phép mở bán. Nếu chưa có văn bản này, chủ đầu tư không được phép huy động vốn từ các nhà đầu tư, hoặc rao bán. Nếu cố tình, chủ đầu tư sẽ vi phạm pháp luật.
Ở trường hợp của Dự án Khu nhà ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, UBND tỉnh Bắc Ninh UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ rõ, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhật Đức chỉ được phép chuyển quyền sử đụng dất cho người dân tự xây dựng nhà ở sau khi dự án đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân khi đến ở và phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện theo quy định.
Vì vậy, mọi hoạt động như huy động vốn, nhận đặt cọc... tại dự án khi chủ đầu tư chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép sẽ là vi phạm pháp luật.
Bàn luận về vấn đề một số dự án chủ đầu tư tìm cách "bán lúa non", đẩy rủi ro về các nhà đầu tư, Luật sư Vi Văn Diện – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay: "Việc sốt đất, tăng giá đất "ảo", giá trị thật của lô đất đã bị đẩy lên quá cao đang diễn biến hết sức phức tạp ở các địa phương, nhất là các khu vực có tiềm năng sẽ đem lại nhiều cơ hội đầu tư. Nhưng đồng thời cũng mang lại không ít rủi ro, hệ lụy cho cả thị trường và nhà đầu tư. Trong đó, rủi ro lớn nhất vẫn là nhà đầu tư chạy theo các dự án chưa đủ pháp lý, "đuối pháp lý" nhưng vẫn cố chạy theo cơn sốt chung của thị trường, với tâm niệm "Đầu tư là sinh lợi".
Vậy nên, người mua cần cẩn trọng xem xét tính pháp lý của dựa án trước khi tham gia ký kết các văn bản giao dịch. Đa phần rủi ro thường là các dự án bán ‘lúa non’, mập mờ pháp lý…Nếu người mua còn nghi ngờ về tính pháp lý của dự án thì có thể tìm đến những chuyên gia, luật sư chuyên về lĩnh vực bất động sản để có thể tư vấn pháp lý giúp người mua tránh khỏi những rủi ro trong giao dịch.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Lê Hải - Pháp luật Plus