Bài học từ các nước bùng phát biến thể Omicron
Kinhte&Xahoi
Nam Phi, Vương quốc Anh và Đan Mạch là ba trong số các quốc gia mà các ca nhiễm biến thể Omicron hiện đang tăng mạnh, chỉ chưa đầy một tháng sau khi được phát hiện lần đầu tiên.
Mặc dù nhiều quốc gia đã áp đặt các hạn chế đi lại song biến thể Omicron đã nhanh chóng có mặt tại nhiều nơi.
Hiện ít nhất 89 quốc gia và vùng lãnh thổ đã báo cáo ca nhiễm Omicron. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus: “Thực tế là Omicron có thể đã lan đến hầu hết các quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện”.
Hàng dài người xếp hàng tiêm mũi tăng cường tại một trung tâm tiêm chủng ở Anh (Ảnh: Bloomberg)
“Omicron đang lan truyền với tốc độ chúng tôi chưa từng thấy với bất kỳ biến thể nào trước đây. Chúng tôi lo ngại rằng mọi người đang coi nhẹ Omicron”, ông Tedros nói.
Hai ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên được phát hiện ở Anh hôm 27/11. Đến nay, nó đã vượt Delta để trở thành chủng trội ở London, theo Cơ quan An ninh Y tế Anh.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo những kỷ lục mới về ca nhiễm hàng ngày ở Anh sẽ sớm bị vượt qua trong vài tuần tới nếu duy trì tốc độ này,từ đó dẫn tới số ca nhập viện tăng mạnh.
Đối mặt với những gì mà Thủ tướng Boris Johnson mô tả "sóng thủy triều" Omicron, Chính phủ Anh đã quyết định đẩy mạnh tiêm chủng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng, với một chiến dịch tăng tốc để tiêm mũi tăng cường cho tất cả những người trưởng thành đủ điều kiện cho tới cuối tháng 12.
Bên cạnh đó, Quốc hội Anh cũng phê chuẩn tái áp đặt các biện pháp bổ sung khác, như yêu cầu sử dụng thẻ xanh COVID-19 ở một số địa điểm như câu lạc bộ đêm và quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở hầu hết không gian trong nhà.
Chính phủ Anh được cho là đang lên kế hoạch phong tỏa hai tuần sau Giáng sinh nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron.
Trong khi đó, ở Nam Phi, các nhà nghiên cứu trấn an khi cho rằng dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn nhưng vẫn chưa rõ khả năng né miễn dịch do tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh trước đó của biến thể mới.
Một người dân đăng ký test COVID-19 tại địa điểm xét nghiệm di động ở Town, Nam Phi (Ảnh: CNN)
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla vẫn kêu gọi người dân “hành động có trách nhiệm và tuân thủ mạnh mẽ hơn” các hạn chế COVID-19 để ngăn chặn đợt bùng phát dịch có thể xảy ra trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Mặc dù chính phủ Đan Mạch từng nhiều lần tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức có thể để tránh phải tái áp đặt hạn chế nhưng quốc gia Bắc Âu này đã chứng kiến tình trạng tăng vọt số ca nhiễm mới lên mức cao kỷ lục trong những tuần qua. Số ca nhập viện và tử vong cho đến nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của khoảng một năm trước.
Tuy nhiên, giới khoa học Đan Mạch nhận định làn sóng chỉ mới bắt đầu. “Tháng tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch”, Tyra Grove Krause, nhà dịch tễ học trưởng tại Viện Huyết thanh Nhà nước Đan Mạch, cho biết.
Hiện Đan Mạch đã siết giờ mở cửa với các nhà hàng, quán bar, kêu gọi người dân làm việc tại nhà, đóng cửa trường học sớm hơn một tuần so với kế hoạch nghỉ Giáng sinh.
Dù vắc xin đến nay vẫn được xem là chìa khóa đưa thế giới thoát đại dịch, giới chuyên gia nhận định chỉ riêng vắc xin là không đủ đối phó với biến chủng Omicron.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, khi biến thể Omicron đang lan rộng, các nước cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng dịch để giảm sự lây truyền của virus trong không khí như giãn cách xã hội và cải thiện hệ thống thông gió trong nhà.
“Các quốc gia có thể ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron bằng các biện pháp có hiệu quả hiện nay. Không phải chỉ cần tiêm vắc xin và không đeo khẩu trang hay không rửa tay, chúng ta hãy thực hiện tất cả các biện pháp đó”, ông Tedros nói. |
Ngọc Ly - TTTĐ