Khó khăn chồng chất
Hơn 6 tháng hoành hành, đại dịch Covid-19 đã tấn công, làm chao đảo mọi ngành nghề, trong đó báo chí truyền thông cũng không tránh khỏi những hệ lụy nặng nề. Thời điểm ban đầu của đại dịch, các tòa soạn chỉ dừng lại ở việc cắt giảm nhân viên, rồi sau đó sa thải một phần với hy vọng tình hình sẽ khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, đến lúc này, cơn bão Covid-19 đã đóng cửa hoàn toàn nhiều tờ báo. Riêng tại Mỹ, 25 tờ báo đã phải đóng cửa, mà rất nhiều trong đó là những tờ báo hơn 100 năm tuổi và là những tờ in duy nhất ở địa phương.
Theo tính toán của Công ty Khảo sát eMarketer, doanh thu từ quảng cáo của ngành báo chí toàn cầu sụt giảm ít nhất 3% trong thời gian đại dịch Covid-19. Trong khi BuzzFeed News ước tính, nhiều tờ báo bị xóa sổ tới 19% doanh thu vì dịch bệnh bùng phát, đánh dấu mức sụt giảm tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. BuzzFeed News cũng lưu ý, thời điểm này vẫn thật khó để ước lượng một cách chính xác và toàn diện những hệ lụy của Covid-19 đối với tất cả các ngành nghề trong đời sống xã hội, bởi tương lai đại dịch này còn hứa hẹn nhiều diễn biến khó lường hơn nữa.
Trớ trêu thay, cuộc khủng hoảng này lại xảy đến đúng vào lúc ngành công nghiệp tin tức đang trong thời điểm thử thách nhất, đặc biệt là với báo in. Ngay cả với “đế chế truyền thông” Rupert Murdoch đã phải đóng cửa vĩnh viễn 36 tờ báo in địa phương ở Australia, bên cạnh 76 tờ khác phải lên kế hoạch chuyển thành báo điện tử kể từ tháng 6 này.
Từ “giải cứu báo chí”…
Cũng như nhiều lĩnh vực khác đã và đang nhận được hỗ trợ để vượt qua khủng hoảng, báo chí truyền thông tại một số quốc gia đã được Chính phủ quan tâm giải cứu. Chẳng hạn, Bộ Văn hóa và Di sản New Zealand trong tháng 5 vừa qua thông báo sẽ thay mặt gần 40 cơ quan Chính phủ để mua trước quảng cáo đăng trên các phương tiện truyền thông địa phương. Sáng kiến này có thể mang lại cho các báo đài khoảng 9 triệu NZD (hơn 5 tỷ USD), nằm trong gói hỗ trợ 50 triệu NZD dành cho ngành công nghiệp truyền thông được Bộ trưởng Bộ Phát thanh truyền hình, Truyền thông và phương tiện kỹ thuật số New Zealand công bố hồi tháng 4. Trong khi đó, Chính phủ Na Uy hôm 12/5 đưa ra đề xuất về gói hỗ trợ trị giá 300 triệu NOK (hơn 31 tỷ USD), ước tính bù đắp khoảng 60% tổn thất tài chính cho ngành công nghiệp báo chí nước này.
Thậm chí một số “đối thủ” mạng xã hội cũng đã ra tay cứu trợ báo chí mùa Covid-19. Cuối tháng 3, Facebook tuyên bố đầu tư 100 triệu USD cho báo chí truyền thông, trong đó có 25 triệu USD dưới dạng khoản cấp kinh phí cho các tổ chức báo chí địa phương tại Mỹ và Canada trong khuôn khổ dự án “Facebook Journalism Project”. 75 triệu USD còn lại dành cho tiếp thị các công ty truyền thông, tin tức trên toàn cầu trên chính nền tảng của Facebook. Thực ra đây không phải là lần đầu tiên Facebook hỗ trợ báo chí. Trước đó, đầu năm 2019, đại gia công nghệ này đã chi 300 triệu USD vào các chương trình tin tức trong vòng 3 năm, và cuối năm 2019 công ty quyết định đầu tư hơn 5 triệu USD cho dự án đào tạo nhà báo tại Anh.
Twitter cũng cam kết hỗ trợ các tờ báo gặp khó khăn tại Mỹ trong mùa Covid-19 với tổng số tiền là 1 triệu USD. Tuy nhiên, sự ra tay của Facebook, Twitter… được cho là chưa đủ để bảo đảm một tương lai phục hồi của ngành công nghiệp tin tức thế giới hậu Covid-19. Nghĩa là bên cạnh những khoản tiền hỗ trợ, các tờ báo, DN truyền thông cần thay đổi dài hạn để thích ứng với thời cuộc.
… đến báo chí tự cứu mình
Ông Marc Feuillée - Tổng Giám đốc tờ Le Figaro và cũng là Chủ tịch Công đoàn nhật báo quốc gia Pháp cho rằng, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là một cơ hội tốt để các cơ quan truyền thông thể hiện năng lực kỹ thuật số. Thực tế cho thấy số lượng đặt báo in trực tuyến tại Pháp gia tăng đáng kể trong tháng 4 vừa qua, điển hình như tờ Les Echos - tăng 4,21% và Le Monde - tăng 11,74%. Trong những tháng tới, việc giữ chân những người đặt báo mới này thực sự là thách thức khi nhu cầu thông tin, vốn tăng vọt trong cuộc khủng hoảng y tế, dự kiến sẽ trở lại mức bình thường.
Từ đó, ông Feuillée cho rằng cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số để đem lại những lợi ích cho độc giả, cũng là để báo chí tự cứu mình trong một thế giới số đang bước vào cuộc cách mạng và báo giấy có nguy cơ dần biến mất. Gọi đại dịch Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các ấn phẩm báo in chưa thiết lập phiên bản online, Rachel Khan, Giáo sư báo chí tại Đại học Philippines nói rằng: “Họ đáng lẽ phải làm điều đó (chuyển sang bản báo điện tử) từ 2 - 3 năm trước, nếu không họ sẽ thực sự bị tụt lại”.
Trong khi đó, nghiên cứu viên cấp cao Nic Newman tại Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters nhận định, tác động tài chính của cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ là chất xúc tác cho sự thay đổi trong ngành công nghiệp tin tức, mà trước hết buộc các tờ báo phải nhìn lại mô hình kinh doanh của mình, đặc biệt là vấn đề thu phí kỹ thuật số - phí bạn đọc thay vì quá phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo.
Vấn đề thu phí bạn đọc đã là một cuộc tranh luận lớn của làng báo thế giới ngay từ trước khi đại dịch bùng phát, mà chẳng hạn The Sun và The Times - đều thuộc hãng xuất bản News UK - là những ví dụ điển hình cho 2 mô hình kinh doanh báo chí online miễn phí và thu phí đối nghịch. The Sun bản điện tử đang sống nhờ vào quảng cáo, với việc thu hút lượt truy cập càng nhiều càng tốt, trong khi The Times tập trung phát triển một lượng độc giả trung thành thông qua thu phí đọc bài. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của 2 tờ báo nước Anh gây không ít ngạc nhiên: News UK thiệt hại một khoản trị giá 67,8 triệu Bảng trước thuế cho việc xuất bản tờ nhật báo bán chạy nhất nước Anh The Sun, trong khi lợi nhuận trước thuế từ The Times ổn định ở mức 3,75 triệu Bảng.
Tuy nhiên, một thực tế được Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số năm 2019 của Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters chỉ ra là việc vẫn còn tương đối ít người đọc sẵn sàng trả tiền cho tin tức trực tuyến. Và ông Newman, đồng tác giả của báo cáo, lý giải rằng đó là bởi nội dung các tờ báo hiện nay không đủ đặc biệt để khiến người đọc “rút ví”. Nói như vậy để thấy, bản chất của vấn đề khó thu phí trực tuyến thành công lúc này nằm ở chất lượng nội dung.
Trong bối cảnh này, The Guardian từ năm 2016 hay The Independent gần đây đã chủ động yêu cầu hỗ trợ tài chính từ độc giả dưới mỗi bài đọc, mặc dù vẫn tiếp tục cung cấp miễn phí nội dung trực tuyến. Douglas McCabe - CEO hãng phân tích Enders Analysis đánh giá phương án này tựa như “ánh nhìn tự tin” trước độc giả của những người làm báo.
“Thực tế họ (The Guardian, The Independent) đã thuyết phục thành công nhiều người đọc hỗ trợ tài chính, cho thấy một thử nghiệm thành công để xây dựng sự tự tin cần có cho toàn ngành công nghiệp tin tức” - ông McCabe nói, khuyến khích các tòa soạn cần phải tin tưởng vào bản thân và phát triển mô hình kinh doanh theo hướng đáp ứng những thách thức của thời đại.
Kết quả một cuộc khảo sát hồi cuối tháng 4 vừa qua của Liên đoàn các nhà báo quốc tế (IFJ) cho thấy, 65,4% trong tổng số 1.308 nhà báo từ 77 quốc gia trên thế giới cho biết họ bị mất việc, giảm lương và phải chịu đựng điều kiện làm việc tồi tệ hơn kể từ khi đại dịch xảy đến. |