Bảo đảm nguồn nông sản cho người dân Thủ đô dịp cuối năm: Chủ động gia tăng sản xuất
Kinhte&Xahoi
Những tháng cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, dự báo nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô sẽ tăng từ 15% đến 20% so với các tháng trước đó. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bên cạnh việc phát triển các chuỗi liên kết cung ứng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn, động viên nông dân chủ động gia tăng sản xuất, nâng cao thu nhập.
Các doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân đang đẩy mạnh sản xuất, tăng cường liên kết nhằm góp phần bảo đảm nguồn nông sản cho người dân Thủ đô dịp cuối năm. Trong ảnh: Đóng gói rau phục vụ người tiêu dùng tại Hợp tác xã Rau sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Việt Cường
Đẩy mạnh sản xuất
Để đáp ứng nhu cầu nông sản tăng trong dịp cuối năm, các hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh sản xuất, tăng cường liên kết nhằm bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Ông Đặng Hữu Hỷ tại xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) cho biết, để đáp ứng nhu cầu tăng vào cuối năm, cách đây 2 tháng gia đình đã tăng 20% tổng đàn gà so với trước đó 3 tháng; đồng thời, đa dạng các chủng loại nuôi với khoảng gần 30.000 gà đẻ trứng và gà thịt.
Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) Lê Văn Tám cho hay, từ cuối tháng 8-2020, hợp tác xã đã có kế hoạch gia tăng các chủng loại rau, liên kết các vùng sản xuất vệ tinh của hợp tác xã. “Trung bình 1 tháng, hợp tác xã xuất ra thị trường từ 3 đến 5 tấn rau các loại, nhưng riêng 2 tháng trước Tết Nguyên đán tới đây, trung bình mỗi tháng hợp tác xã cung ứng từ 7 đến 10 tấn rau. Số liệu này được tính toán dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực của hợp tác xã Sông Hồng”, ông Lê Văn Tám thông tin.
Đặc biệt, trước diễn biến của giá thịt lợn trong thời gian qua, để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cũng như kiểm soát giá lợn trong dịp cuối năm, nhiều địa phương đã đẩy mạnh tái đàn từ những tháng trước đó. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn, hiện tổng đàn lợn toàn huyện là 34.800 con, tăng gần 3.000 con so với quý I-2020.
Đánh giá về nguồn cung thị trường cuối năm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, hiện sản lượng gia cầm, thủy sản đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân; số còn lại như gạo, rau, quả, thịt lợn… đáp ứng từ 60% đến 94%; đáng chú ý chỉ có nguồn cung thực phẩm chế biến mới đáp ứng được 17,9%...
“Sản xuất nông nghiệp Hà Nội quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, khả năng chế biến còn hạn chế là những vướng mắc khiến nông sản Hà Nội chưa đáp ứng được hết nhu cầu thị trường. Những tháng cuối năm, nhu cầu nông sản sẽ tăng từ 20% đến 30%... Nếu ngành Nông nghiệp không tính toán kế hoạch một cách bài bản và triển khai các giải pháp sản xuất phù hợp, khó có thể đáp ứng được nguồn cung nông sản vào thời điểm nhu cầu tăng cao”, ông Tạ Văn Tường nói.
Một trang trại nuôi gà thịt tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh). Ảnh: Vũ Sinh
Không để thiếu nông sản, thực phẩm
Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, để thị trường Hà Nội sẽ không thiếu nông sản, thực phẩm, kể cả trong thời điểm nhu cầu tăng cao. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đang tập trung sản xuất vụ đông để thực hiện mục tiêu này. Đầu vụ đông 2020, toàn thành phố dự kiến gieo trồng 32.431ha, đến nay đã mở rộng lên 45.000ha, tăng gần 13.000ha.
Sản xuất vụ đông đang được các địa phương triển khai quyết liệt. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, vụ đông năm nay, huyện Phú Xuyên gieo trồng từ 3.842ha trở lên. Để khuyến khích nông dân sản xuất vụ đông, Huyện ủy Phú Xuyên đã hỗ trợ 50% kinh phí mua giống đậu tương, với mức 1.050.000 đồng/ha đối với diện tích gọn vùng, gọn cánh từ 5ha trở lên; hỗ trợ 50% kinh phí mua giống triển khai các mô hình chất lượng cao, diện tích liền vùng, liền thửa...
Trong khi đó, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng thông tin: Huyện Gia Lâm đã hướng dẫn các xã ưu tiên trồng các loại cây rau đậu, cây truyền thống có thị trường tiêu thụ như bí xanh, hành, su hào…; trồng lệch vụ, rải vụ nhằm tiêu thụ thuận lợi, cho hiệu quả kinh tế cao; áp dụng biện pháp làm bầu, làm đất tối thiểu bảo đảm khung thời vụ tốt nhất cho từng loại cây trồng...
Hiện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã yêu cầu các công ty thủy lợi phối hợp chặt chẽ với địa phương chỉ đạo điều tiết nước, bảo đảm độ ẩm đất khi gieo trồng và chống hạn kịp thời; đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, dự báo chính xác, kịp thời tình hình sâu, bệnh, khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn sinh học cũng như chủ động xây dựng kế hoạch gia tăng sản phẩm gia súc, gia cầm, góp phần bảo đảm ổn định thị trường dịp cuối năm, nhất là trước Tết Nguyên đán - 2021.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Với 6 cửa hàng cung ứng nông sản an toàn tại Hà Nội, công ty đã ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất, chế biến trong thành phố từ tháng 9, tháng 10 để người nông dân yên tâm sản xuất, bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng.
Từ nay đến cuối năm 2020 là giai đoạn doanh nghiệp và hộ nông dân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường. “Cùng với việc tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố để tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương đã chủ động, linh hoạt bám sát nhu cầu thị trường để động viên, hỗ trợ nông dân gia tăng sản xuất. Do vậy, nguồn nông sản, thực phẩm cho Hà Nội luôn bảo đảm, kể cả khi nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm...”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định.
Đỗ Minh - Hà Nội mới