Bắt một giám đốc doanh nghiệp tại Nghệ An vì liên quan đến Đề án Ơ Đu
Kinhte&Xahoi
Công an Nghệ An vừa bắt giữ Lê Văn Sơn – Giám đốc Công ty Văn Sơn để điều tra những sai phạm về kinh tế.
PC 03 đọc lệnh bắt giam đối với Lê Văn Sơn - Giám đốc Công ty Văn Sơn (người mặc sơmi trắng).
Phòng cảnh sát kinh tế (PC 03) Công an Nghệ An vừa bắt giữ Lê Văn Sơn – Giám đốc Công ty Văn Sơn để điều tra những sai phạm về kinh tế khi thực hiện một số gói thầu trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tại tỉnh Nghệ An.
Ngày 24/7, thông tin từ Công an Nghệ An cho hay, tối 23/7, PC 03 đã khám xét nơi ở và bắt khẩn cấp Lê Văn Sơn - Giám đốc Công ty Văn Sơn (trụ sở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) để điều tra những sai phạm về kinh tế khi thực hiện một số gói thầu trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu (dân tộc dưới 1.000 người) tỉnh Nghệ An.
Trước đó, chiều 23/7, PC 03 đã khám xét nơi làm việc và nhà riêng của Nguyễn Tâm Long – quyền Trưởng phòng Chính sách (Ban dân tộc tỉnh Nghệ An). Sau đó, nghi can Long bị tạm giữ do có những sai phạm liên quan đến Đề án này.
Liên quan đến vụ việc, tối 21/7, PC 03 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với cấp dưới của Long là Kim Văn Bốn (38 tuổi), cán bộ Phòng chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An về tội “Tham ô tài sản”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, trong quá trình thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga Mi, huyện Tương Dương (Nghệ An), Bốn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lập khống hồ sơ, rút hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Được biết, “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2025” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 22/8/2017.
Mục tiêu của đề án là duy trì, phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Ơ Đu nhằm nâng cao vị thế của dân tộc Ơ Đu; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững, giảm sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng…
Đề án được thực hiện trong thời gian 10 năm (2016 - 2025), chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn I: từ 2016 - 2020 và giai đoạn II: từ 2021 - 2025. Địa điểm thực hiện là bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh. Tổng kinh phí thực hiện là 120 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 108 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 12 tỉ đồng.
Cuối năm 2018, chủ đầu tư đề án nhận số tiền đầu tiên của đợt một là 18,812 tỉ đồng. Năm 2019, cơ quan này nhận tiếp đợt hai là 9,369 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã thực hiện hơn 27,7 tỷ đồng. Số kinh phí hơn 471 triệu bị hủy dự án, nộp trả ngân sách (gồm chi phí thuê kiếm toán độc lập, quyết toán chưa thực hiện, chi không hết dự toán).
Kim Long - Pháp luật Plus