"Cuộc săn phù thủy chính trị"
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 21/11 tuyên bố ông sẽ không từ chức bất chấp việc bị truy tố về tội nhận hối lộ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm trong các vụ bê bối tham nhũng mà ông tố là một “nỗ lực đảo chính”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bị truy tố vì nhiều cáo buộc. Ảnh: Reuters.
Quyết định truy tố do Bộ trưởng tư pháp Avichai Mandelblit đưa ra là hành động đầu tiên chống lại một Thủ tướng đương nhiệm của Israel và cho thấy cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu – nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất Israel, người liên tục đứng đầu chính quyền kể từ năm 2009, và trước đó vào những năm 1990.
“Họ không theo sự thật mà họ chỉ nhắm vào tôi. Những gì tôi trải qua không hề dễ dàng. Tôi cũng là một con người. Những gì gia đình tôi đang trải qua thật quá sức chịu đựng”, ông Netanyahu nói trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp tại dinh thự.
Ông Netanyahu đã phủ nhận cáo buộc dính líu đến 3 vụ tham nhũng, nói rằng ông là nạn nhân của một “cuộc săn phù thủy chính trị” và không có nghĩa vụ pháp lý phải từ chức. Tuy vậy bản cáo trạng có thể tiếp tục thúc đẩy những nhân vật đối đầu cố gắng đánh bật ông sau hai cuộc bầu cử chưa có hồi kết kể từ tháng 4/2019 và một cuộc bầu cử thứ 3 dự kiến sẽ xảy ra.
Nếu bị kết tội, ông Netanyahu sẽ phải đối mặt với án tù dài hạn. Tuy nhiên, việc mở một phiên tòa xét xử có thể bị trì hoãn trong nhiều tháng do khủng hoảng chính trị tại Israel.
“Đây là một cuộc đảo chính dựa trên những điều bịa đặt và một quá trình điều tra sai lệch, thiên vị. Tôi sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước theo luật pháp, với trách nhiệm, sự tận tâm và quan tâm đến tương lai của chúng ta”, ông Netanyahu cho biết thêm.
Phản ứng trước tuyên bố này, Benny Gantz, đối thủ chính của ông Netanyahu trong hai cuộc bầu cử vừa qua đã có dòng tweet nói rằng: “Không có cuộc đảo chính nào ở Israel, đó chẳng qua là nỗ lực (của Thủ tướng Netanyahu) để tiếp tục nắm quyền”.
Hồi tháng 2 vừa qua, cảnh sát Israel đã đề nghị Bộ trưởng Tư pháp Mandelblit ban hành các cáo trạng đối với Thủ tướng Netanyahu trong các cuộc điều tra kéo dài có tên là Vụ án 1000, 2000 và 4000.
Ông Netanyahu bị cáo buộc nhận số quà tặng trị giá 264.000 USD, bao gồm các vật phẩm xa xỉ như xì gà và rượu sâm banh từ các doanh nhân giàu có trong và ngoài Israel. Trong một diễn biến khác, ông bị cáo buộc dành đặc ân để đáp lại những bài báo có lợi cho ông trên tờ Yedioth Ahronoth – tờ báo bán chạy nhất của Israel. Trường hợp nghiêm trọng nhất, ông bị cáo buộc cấp các khoản ủng hộ pháp lý trị giá khoảng 500 triệu USD cho công ty viễn thông hàng đầu của Israel là Bezeq Telecom Israel để đổi lấy việc đăng tải những thông tin tích cực dành cho ông trên một trang mạng do cựu Chủ tịch của công ty này sở hữu.
Thời điểm đen tối của Israel
Việc truy tố được đưa ra trong bối cảnh Israel đang rơi vào một tình huống chính trị xấu chưa từng có. Hôm 20/11, cựu Tham mưu trưởng lực lượng quốc phòng Israel Benny Gantz đã từ bỏ nỗ lực thành lập chính phủ, 4 tuần sau khi ông Netanyahu tuyên bố thất bại trong nỗ lực tương tự. Trước đó hôm qua (21/11), Tổng thống Israel đã yêu cầu các nghị sỹ lựa chọn một ứng cử viên thứ 3 đứng ra thành lập chính phủ - một diễn biến có thể tạo tiền đề cho cuộc bầu cử thứ 3 tại Israel chỉ trong vòng 1 năm. “Đây là những ngày đen tối khắc nghiệt trong lịch sử của Israel”, Tổng thống Reuven Rivlin nói.
Israel hiện đang trong giai đoạn 21 ngày, khi bất cứ thành viên nào của Quốc hội cũng có thể trở thành Thủ tướng nếu nhận được sự ủng hộ của đa số các nhà lập pháp. Về lý thuyết, ông Netanyahu vẫn có cơ hội. Tuy nhiên những tin tức liên quan đến quyết định của Bộ trưởng Tư pháp Avichai Mandelblit sẽ khiến cơ hội của ông Netanyahu ngày càng bị thu hẹp.
“Một Thủ tướng bị vướng các cáo buộc tham nhũng không có quyền đưa ra những quyết định liên quan đến số phận của Nhà nước Israel”, đảng Xanh và Trắng của ông Grantz nói trong một tuyên bố hôm 21/11.
Ofer Zalzberg, nhà phân tích của nhóm chuyên gia về khủng hoảng quốc tế, cho biết vị thế của ông Netanyahu sẽ bị suy yếu nghiêm trọng sau tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Mandelblit và ông có thể đối mặt với những thách thức liên quan đến vai trò lãnh đạo trong đảng Likud.
Bế tắc chính trị cũng đồng nghĩa với việc quá trình pháp lý sẽ diễn ra chậm hơn. Theo giới phân tích, dù đối mặt với sức ép chính trị rất lớn sau khi bị truy tố, nhưng ông Netanyahu không có nghĩa vụ pháp lý phải từ chức và có thể yêu cầu Quốc hội Israel cấp cho ông quyền miễn trừ truy tố./.