Bình Dương: 131.000 công nhân “3 tại chỗ” đã tiêm vắc xin phòng Covid-19

02/09/2021 14:46

Kinhte&Xahoi Ban Quản lý Các KCN tỉnh Bình Dương cho biết toàn tỉnh hiện có 1.319 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”, với 146.682 lao động đang làm việc.

Ảnh minh họa.

Từ ngày 07/8 đến 15/8, ban quản lý phối hợp với chủ đầu tư 27 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho 131.000 công nhân lao động đang tham gia sản xuất theo phương án nói trên. 

Sau khi được tiêm vắc xin tại doanh nghiệp và trong khu dân cư ở địa phương, các doanh nghiệp bắt đầu đăng ký thực hiện mô hình sản xuất mới chủ yếu theo hình thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" với 141 doanh nghiệp đăng ký 21.678 lao động (trung bình 153 lao động/doanh nghiệp), đạt 37% so với mức lao động ngày thường.

Theo Ban quản lý các KCN, các doanh nghiệp thực hiện mô hình 3 xanh “nhà máy, nhà trọ và công nhân” tại khu vực “vùng xanh”. Trong đó, đề nghị chủ đầu tư, doanh nghiệp phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào doanh nghiệp. Nơi nào không đáp ứng, không đảm bảo an toàn thì buộc ngừng hoạt động.

Đồng thời thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến người lao động (người ở chung, địa chỉ nơi đang ở, lộ trình di chuyển hàng ngày từ nơi ở đến công ty, doanh nghiệp), đo thân nhiệt và yêu cầu người lao động phải khai báo y tế bắt buộc hàng ngày khi đến làm việc. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất.

Doanh nghiệp chỉ được tổ chức sản xuất kinh doanh khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ công nhân, người lao động và đáp ứng các điều kiện về phòng chống dịch. Trước khi cho vào nhà máy sản xuất phải khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà máy theo quy định, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần. Trong quá trình hoạt động, sản xuất, tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng test kháng nguyên nhanh hoặc xét nghiệm bằng phương pháp RT- PCR mẫu gộp, thực hiện 5 ngày/lần. Xét nghiệm hàng ngày đối với người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm,... di chuyển ra, vào doanh nghiệp. Phát huy vai trò hoạt động của các Tổ An toàn Covid-19 trong doanh nghiệp.

Để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo từ cộng đồng (các khu nhà trọ, chỗ ở của công nhân) vào trong doanh nghiệp và ngược lại, tỉnh cũng đề nghị chính quyền địa phương chủ động phối hợp doanh nghiệp liên hệ, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ theo hướng bố trí cho những công nhân cùng làm chung một doanh nghiệp được ở chung một phòng hoặc một dãy. Nếu đảm bảo đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả các công nhân của cùng một nhà máy, một doanh nghiệp ở chung nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề.

Duy Trường  - Di Linh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-duong-131000-cong-nhan-3-tai-cho-da-tiem-vac-xin-phong-covid-19-d165246.html