Bình Dương tăng cường lực lượng, bố trí các chốt kiểm soát nồng độ cồn
Kinhte&Xahoi
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cũng như phòng ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông do nguyên nhân từ bia, rượu, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương sẽ tăng cường lực lượng, bố trí các chốt kiểm soát nồng độ cồn trên tất các tuyến đường trọng điểm và sẽ triển khai thực hiện xuyên suốt trong năm 2022.
Lực lượng CSGT tổ chức kiểm tra nồng độ cồn áp dụng kinh nghiệm quốc tế.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng CSGT toàn quốc ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề "Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn", bắt đầu từ ngày 01/3 cho đến hết ngày 31/12/2022.
Lực lượng CSGT toàn tỉnh Bình Dương cũng đã đồng loạt tổ chức ra quân, lập chốt kiểm soát nồng độ cồn trên các tuyến đường trọng điểm theo kế hoạch, tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm đối với các trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, các phương tiện được hướng dẫn kiểm tra nồng độ cồn áp dụng kinh nghiệm quốc tế. Người điều khiển phương tiện thực hiện theo hiệu lệnh của CSGT, tài xế chỉ cần ngồi trong xe, hạ kính và thực hiện thao tác thổi vào máy đo nồng độ cồn. Nếu thiết bị đo báo không có nồng độ cồn thì tài xế điều khiển xe đi tiếp. Cách làm này mang lại hiệu quả cao, số lượng tài xế được kiểm tra nhiều tuy nhiên không gây ùn ứ giao thông, không làm mất nhiều thời gian của người dân. Đối với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ lập biên bản xử lý và tạm giữ phương tiện theo quy định.
Tài xế chỉ cần ngồi trong xe, hạ kính và thực hiện thao tác thổi vào máy đo nồng độ cồn.
Thượng tá Phạm Quang Trưởng - Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2022 với quyết tâm làm giảm số người vi phạm nồng độ cồn cũng như giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, Phòng CSGT Công an Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường bám sát địa bàn, kiểm tra, xử lý khép kín các khung giờ cũng như các vi phạm trật tự an toàn giao thông khác.
Đồng thời, lực lượng CSGT cũng sẽ chủ động tuyên truyền tác hại của bia, rượu tới các tầng lớp nhân dân. Hy vọng, với các biện pháp vừa tăng cường xử lý nghiêm vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền sẽ giúp hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, để mọi người mọi nhà được bình an, hạnh phúc.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định về mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn có với mức phạt cao nhất là 08 triệu đồng đối với xe máy; phạt tới 40 triệu đồng đối với xe ô tô. Bên cạnh đó, người vi phạm sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
|
Duy Trường – Di Linh - Pháp luật Plus