Bình Dương vươn lên vị trí thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI
Kinhte&Xahoi
Hạ tầng phát triển bài bản, nhiều tuyến giao thông mới được triển khai cùng với đó là quá trình cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài thực hiện các thủ tục pháp lý đã khiến Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Bình Dương là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài
Ngày 10/2, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết nhà máy thứ ba của Công ty Rheem Việt Nam (vốn FDI từ Úc) vừa được đưa vào hoạt động tại Khu công nghiệp Đồng An 2, thành phố Thủ Dầu Một.
Đây là một trong những dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tiêu biểu vừa được giải ngân vốn dịp đầu năm 2023, đánh dấu Bình Dương vươn lên vị trí thứ hai cả nước (chỉ sau TP HCM, vượt Hà Nội, Đồng Nai...) về thu hút vốn FDI.
Sau khi được mở rộng, nhà máy của Rheem Việt Nam tại Bình Dương có tổng mức đầu tư hơn 46 triệu USD (tương đương trên 1.000 tỷ đồng, theo tỉ giá hiện tại).
Nhà máy được triển khai trên quỹ đất hơn 6ha, cung cấp việc làm cho khoảng 300 lao động. Mỗi năm nhà máy sản xuất ra hàng trăm ngàn bình nước nóng, bộ thu năng lượng mặt trời và các phụ kiện khác, xuất khẩu chiếm tới 99%.
Ông Matthew Chessum - Tổng Giám đốc Công ty Rheem Việt Nam - cho biết Rheem được thành lập gần 100 năm và có mặt tại Việt Nam tròn 10 năm (từ đầu năm 2013). Sau quá trình đầu tư tại Bình Dương được đánh giá là hiệu quả, công ty này quyết định mở rộng nhà máy để củng cố sự hiện diện ở Châu Á và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhà máy mới sẽ không chỉ sản xuất mà còn góp phần tích cực hơn trong việc nghiên cứu phát triển, triển khai các giải pháp sản xuất để giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết mặc dù gặp khó khăn chung về dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... nhưng tỉnh này vẫn có những tín hiệu vui trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tính cả năm 2022, vốn đầu tư nước ngoài vào Bình Dương đạt hơn 3,1 tỷ USD, trong đó có dự án lớn như nhà máy hơn 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch)...
Có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Bình Dương, tiêu biểu là Đan Mạch, Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Các nhà máy FDI chủ yếu đầu tư trong khu công nghiệp (chiếm 67% tổng vốn đầu tư).
Để có được kết quả trên, tỉnh Bình Dương đã có quá trình thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước với 30 năm kinh nghiệm. Điều đầu tiên khi các nhà đầu tư đến với Bình Dương là sự phát triển hạ tầng bài bản. Từ TP HCM về Bình Dương, gây ấn tượng trước hết đó là hạ tầng giao thông của tỉnh tương đối tốt.
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã khởi công xây dựng mới khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) 3 và tiếp tục mở rộng quy mô một số khu công nghiệp khác.
Ngoài việc mở rộng quốc lộ 13 lên 8 làn xe để kết nối với vùng Đông Nam Bộ, tích cực triển khai đường vành đai 3, 4 TP HCM, Bình Dương cũng tích cực xây dựng nhiều tuyến đường mới trong tỉnh để thúc đẩy đầu tư.
Tiêu biểu như đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (sắp khánh thành), đường ĐT746 (qua cổng Khu công nghiệp VSIP 3)...
Song song đó đó là đường Mỹ Phước Tân Vạn (không có trạm thu phí) chuyên sử dụng cho xe container trở thành "con đường tơ lụa" của Bình Dương. Bên cạnh đó là các đường tạo lực kết nối khu công nghiệp, khu đô thị dịch vụ và các trung tâm logistics được mở ngày càng nhiều, các phương tiện vận chuyển lưu thông nhanh, tiết giảm rất nhiều chi phí vận tải.
Điểm thứ hai về hạ tầng hấp dẫn nhà đầu tư đó là hạ tầng các khu công nghiệp được xây dựng đầy đủ và đáp ứng các điều kiện đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Có thể thấy, đó là "đất sạch" luôn sẵn sàng để cho doanh nghiệp lớn trên thế giới đến xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh.
Một điểm mạnh khác, Bình Dương luôn thúc đẩy quá trình cải cách hành chính làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nước ngoài thực hiện thủ tục pháp lý để đầu tư kinh doanh. Quá trình chuyển đổi số nhanh cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong khi hoạt động tại Bình Dương.
Mặc dù luôn ở tốp đầu nhưng Bình Dương chưa dùng lại. Những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh luôn chủ động và trực tiếp hiện diện ở các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư nước ngoài. Lời cam kết luôn đồng hành và tạo thuận lợi nhất của lãnh đạo tỉnh đã trở thành niềm tin cho doanh nghiệp FDI.
Theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đang thu hút đầu tư các lĩnh vực ngành công nghệ cao, dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh Bình Dương tiếp tục mời các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đến Bình Dương tìm hiểu các cơ hội đầu tư.
Kiều Liên - TTTĐ