Bộ Chính trị: Kiểm tra cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín

25/04/2022 19:02

Kinhte&Xahoi Trong Chiến lược Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, Bộ Chính trị yêu cầu chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; Kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, vừa ký ban hành Kết luận số 34-KL/TW về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Tập trung kiểm tra nơi dễ tham nhũng, tiêu cực

 Trong Kết luận số 34 nêu rõ, Qua hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị khóa X về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược), nhận thức của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên; hệ thống văn bản của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát cơ bản được ban hành đồng bộ, thống nhất; nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát được thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

Ủy ban kiểm tra các cấp được kiện toàn về tổ chức, cán bộ, bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền; tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chiến lược ở một số nơi chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; có nhiệm vụ, giải pháp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa toàn diện, đồng bộ, hiệu quả thấp. Một số ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban tham mưu của cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, chất lượng còn nhiều hạn chế; Chưa xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật từ Trung ương tới địa phương.

Những năm tới đây, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Bốn nguy cơ đối với Đảng, chế độ mà Đảng ta đã chỉ ra có mặt còn gay gắt hơn. Tình trạng tham nhũng, vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là có sự cấu kết, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, rất tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành...

Nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, tích cực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Đồng thời tiếp tục thực hiện Kết luận số 72/2010 của Bộ Chính trị khoá X, Chiến lược Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, Bộ Chính trị đề ra loạt nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đối với công tác kiểm tra, giám sát; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác này.

Kết luận nêu rõ, thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; Các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; Việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Kê khai tài sản, thu nhập...

Kết luận yêu cầu, chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; Xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm.

Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra công minh, liêm chính

 Cấp uỷ, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cấp uỷ viên và cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý phải thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để chủ động khắc phục, chấn chỉnh không để dẫn đến vi phạm;

Kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận đã để xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách.

Uỷ ban kiểm tra cấp trên thường xuyên, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cấp uỷ, tổ chức Đảng và uỷ ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dễ xảy ra vi phạm, các vụ việc về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; kịp thời xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngay tại cơ sở, chi bộ; Tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định về cơ chế phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định các hành vi vi phạm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế về kiểm soát tài sản, thu nhập, quyền lực trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…

Nhiệm vụ, giải pháp nữa là xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra công minh, liêm chính; tổ chức bộ máy cơ quan uỷ ban kiểm tra các cấp đồng bộ, tinh gọn.

Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tuỵ, trách nhiệm; Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, khung năng lực cán bộ làm công tác kiểm tra theo hướng chuyên nghiệp; Thực hiện luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp để đào tạo, rèn luyện cán bộ; Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp.

Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-chinh-tri-kiem-tra-can-bo-dang-vien-khong-du-nang-luc-uy-tin-194909.html