Bỏ khái niệm 'người tài' trong Luật Cán bộ, công chức
Kinhte&Xahoi
Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật vừa được thông qua không đề cập đến định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ .
Luật có bố cục gồm 3 Điều. Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.
Tại Điều 1, về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, Luật quy định Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng; Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Đồng thời, căn cứ vào quy định của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 39 của Luật này quyết định chế độ trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do tỉnh quản lý.
Theo báo cáo giải trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thực tiễn cho thấy khái niệm “người có tài năng” là rất rộng; tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau.
Từ thực tế đó, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng là khó khả thi.
Hơn nữa phạm vi của Luật Cán bộ, công chức chỉ quy định về quản lý, sử dụng, chế độ, chính sách đối với “cán bộ, công chức”, nếu quy định về người có tài năng nói chung là không phù hợp.
Vì những lý do đó, kết hợp với việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ vào dự thảo Luật.