Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm thêm nhiều loại thuế với xăng dầu
Kinhte&Xahoi
Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ giảm thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu.
Ảnh minh họa
Theo Bộ Tài chính, trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng vẫn đứng ở mức cao, bộ này đã khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách về thuế để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như an ninh năng lượng, cụ thể như sau:
Về thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15 ngày 6/7/2022. Qua đó đã điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022 (nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022).
Về thuế xuất nhập khẩu, ngày 19/7/2022, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính có Tờ trình số 166/TTr-BTC trình Chính phủ dự thảo nghị định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%.
Dự kiến khi ban hành, chính sách này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tạo cơ hội tiếp cận nguồn cung mới cho các doanh nghiệp nhập khẩu thay vì phụ thuộc vào nguồn xăng từ Hàn Quốc hay các nước trong ASEAN (do xăng dầu đang chủ yếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc và các nước trong ASEAN).
Qua đó thúc đẩy sự ổn định thị trường xăng dầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động khó lường, khó dự báo. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ký ban hành.
Cũng theo Bộ Tài chính, về chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, ngày 28/7/2022, bộ này đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản, theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Mới đây, tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo tiếp tục theo dõi tình hình giá thế giới, sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo chủ động nghiên cứu báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Hậu Lộc - TTTĐ