Ngày 3/3, theo tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hiệp hội xăng dầu xin ý kiến đối với hồ sơ dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế BVMT từ 500 - 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn.
Cụ thể, giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng (trừ etanol), giảm 500 đồng/lít/kg đối với dầu diesel, dầu hỏa, mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.
Theo Bộ Tài chính, mức đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội bị nhiều tác động bởi dịch COVID-19 và tình hình giá xăng dầu thế giới đang tăng cao bởi các nền kinh tế đang mở cửa trở lại, đồng thời tình hình bất ổn chính trị thế giới đang tăng cao đã tác động mạnh tới giá xăng dầu thế giới cũng như trong nước.
Ảnh minh họa
Việc giá dầu thô thế giới cũng như giá xăng dầu thành phẩm tăng cao sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trong đó có xăng dầu (theo Tổng cục Thống kê thì chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế).
Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng CPI và lạm phát cơ bản trong tháng 2/2022 thì việc giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 4 đợt là một trong những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng CPI 2 tháng đầu năm 2022 tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ năm trước; Lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Trong đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.
Do đó, để thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; Trong đó đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Chính phủ trước ngày 28/2.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo, ngày 25/2, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các phương án cụ thể về thuế BVMT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) theo trình tự thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 2/3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng cho năm 2022 theo trình tự thủ tục rút gọn, dự kiến trình Chính phủ trước ngày 7/3.
Bộ Tài chính dự kiến, nếu thời gian giảm thuế BVMT có hiệu lực từ ngày 01/4/2022, số thu thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm sẽ khoảng 11.982 tỷ đồng.
Đồng thời, nếu giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì ước tác động của biện pháp giảm thuế giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%.
Hậu Lộc - TTTĐ