Bộ trưởng Y tế: Ca mắc COVID-19 và bệnh nhân tử vong có thể tăng thời gian tới

16/07/2021 21:49

Kinhte&Xahoi Nhận định ca mắc tại TP HCM, các tỉnh miền Đông, miền Tây khả năng còn tăng và có nhiều trường hợp tử vong do COVD-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng các địa phương này cần triển khai những biện pháp ngăn chặn dịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn...

Sáng 16/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 63 Sở y tế các tỉnh, thành phố qua gần 130 điểm cầu trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị.

Có thể ca mắc COVID-19 gia tăng thời gian tới, sẽ có nhiều trường hợp tử vong

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, TP HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây đang đối mặt với dịch bệnh hết sức phức tạp và có thể trường hợp mắc COVID-19 còn gia tăng trong thời gian tới, từ đó sẽ có nhiều trường hợp tử vong do đại dịch COVD-19.

“Đợt dịch này cũng kéo dài hơn so với các đợt dịch trước. Những đợt dịch trước, chúng ta chỉ cần 1 tháng hoặc 1 tháng rưỡi để kết thúc, đợt dịch này dự đoán sẽ kéo dài hơn gây tác động trên diện rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sự phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ Y tế đã thành lập các bộ phận thường trực, bộ phận thường trực chính đặt tại TP HCM và 7 bộ phận khác tại tỉnh, thành phố nơi dịch diễn biến phức tạp.

'Bộ cũng với các địa phương đã chỉ đạo sát sao đối với các công tác dịch, liên tục rà soát lại tất cả những chỉ dẫn về mặt chuyên môn, vấn đề liên quan đến kĩ thuật, chỉ đạo các địa phương trong vấn đề chuẩn bị những phương án để đối phó với dịch bệnh.

“Đợt này, do biến chủng delta có tính lây lan rất nhanh, tốc độ tấn công có thể tăng 2 đến 3 lần so với chủng trước, khả năng nhân lên nhanh dẫn đến việc phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian rất ngắn.

Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ có 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, đồng thời nhấn mạnh: "Chính vì vậy, mặc dù các biện pháp đã được triển khai rất quyết liệt thế nhưng thực tế chưa được như mong muốn, đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Dịch tiếp tục gia tăng, tiếp tục kéo dài, tiếp tục có những diễn biến phức tạp nhất là đối với các tỉnh phía Nam”.


Một số địa phương thực hiện Chỉ thị 16 chưa nghiêm túc


Tại cuộc hợp, Tư lệnh ngành y tế cũng chỉ ra những vẫn đề còn tồn tại của một số địa phương, đã thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng việc thực hiện chưa được đầy đủ, chưa nghiêm túc, còn chần chừ nấn ná.

Có địa phương người dân đi lại vẫn nhộn nhịp, nhiều cửa hàng, siêu thị vẫn mở cửa mặc dù trong Chỉ thị 16 ghi rõ chỉ mở cửa những dịch vụ thiết yếu, phục vụ thực phẩm, thuốc men. "Cửa hàng bán mặt hàng khác vẫn mở cửa, chợ vẫn hoạt động thì làm sao mà không lây nhiễm được?", ông Nguyễn Thanh Long đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, có những khu công nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Y tế, nhiều địa phương chưa tập trung cho việc chống dịch, chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ, chưa thực hiện việc xét nghiệm trên diện rộng.

Đặc biệt, tâm thế chuẩn bị cho tình huống dịch lan rộng vẫn còn chưa chặt chẽ, một số nơi vẫn còn trông chờ, ỷ lại, ngại mua sắm, ngại thực hiện các biện pháp trong bối cảnh cấp bách, vật tư, trang thiết bị... Bộ trưởng đề nghị các địa phương đánh giá, rà soát lại các kịch bản đã đưa ra, chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn.

Đánh giá về việc thay đổi trong vấn đề cách ly, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện tại có một số thay đổi rất cơ bản là trong vấn đề về việc cách ly, đã giảm được thời gian cách ly, mặc dù có rủi ro nhưng chỉ chấp nhận ở mức độ thấp.

Bộ Y tế đã bàn bạc với cơ quan chuyên môn, đưa ra thí điểm cách ly F1 tại nhà. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đảm bảo đủ tiêu chí, tiêu chuẩn và điều kiện.

Cùng với đó, thay đổi trong xét nghiệm, sử dụng test nhanh là chính, để làm giảm thời gian, tối ưu hóa tất cả về việc xét nghiệm, làm sao đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt. Bởi đặc tính virus phát tán mạnh, một người nhiễm là cả gia đình và những người có tiếp xúc gần có thể bị nhiễm.

Đối với việc gộp mẫu trong test nhanh, qua đánh giá tỉ lệ nhiễm trên địa bàn TP HCM, khu vực có diễn biến dịch phức tạp, gộp 3 hay gôp 5 là tùy vào điều kiện và kĩ thuật nơi lấy mẫu.

Tuy nhiên, ông Long không khuyến khích với đối với vùng có nguy cơ cao, không nên gộp mẫu nhiều, xét nghiệm có trọng tâm, vùng nào cần xét nghiệm cộng đồng, vùng nào xét nghiệm đối tượng có nguy cơ.

Về vấn đề điều trị, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải thiết lập các khu điều trị khác nhau, mức độ thấp nhất đối với các bệnh nhân không có triệu chứng thì chỉ điều trị ở những cơ sở đơn giản gọi là cơ sở thu dung, điều tri bệnh nhân COVID ban đầu.

Lớp thứ 2 là bệnh nhân có triệu chứng được đưa vào các cơ sở y tế. Và lớp cuối cần chuẩn bị các phòng cấp cứu tại bệnh viện đa khoa, bệnh viện dã chiến...

 Mỵ Châu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-truong-y-te-ca-mac-covid-19-va-benh-nhan-tu-vong-co-the-tang-thoi-gian-toi-d160843.html