Bộ Y tế ban hành công văn khẩn về vận chuyển hàng hoá

22/07/2021 17:00

Kinhte&Xahoi Ngày 22/7, Bộ Y tế ban hành công văn khẩn hướng dẫn về các nguyên tắc y tế đối với hoạt động vận tải hàng hoá.

Theo đó, ngày 19/7, Bộ Y tế ban hành Công văn về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên theo như phản ánh từ người vận chuyển hàng hóa, hiện nay còn một số địa phương chưa thực hiện đúng và đầy đủ những hướng dẫn tại Công văn nêu trên.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị vận tải, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và những nhân viên nghiệp vụ bắt buộc phải đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá (gồm nhân viên giao nhận hàng hoá, thuyền viên, hoa tiêu,…) phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình hoạt động vận tải theo quy định đối với từng cấp độ phòng, chống dịch; yêu cầu người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình và đảm bảo xuất trình được mã QR kết quả khai báo y tế (trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị phù hợp hoặc bản giấy) khi có yêu cầu kiểm tra.

Ảnh minh họa.

Đối với địa bàn thực hiện Chỉ thị số 16, yêu cầu đơn vị vận tải, chủ phương tiện, chỉ cho phép người điều khiển và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá thực hiện nhiệm vụ khi đã có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 được thực hiện trong vòng 3 ngày (72H kể từ khi có kết quả xét nghiệm).

Về kiểm tra quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải hàng hoá, tại các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, mỏ vật liệu…), thực hiện nghiêm việc kiểm tra Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 và các quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với người điều khiển, nhân viên nghiệp vụ đi cùng và phương tiện vận chuyển hàng hoá khi ra vào các địa điểm này, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, thuận lợi và không gây ùn tắc giao thông.

Tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 và trên các tuyến giao thông, thực hiện nghiêm Công văn số 5753/BYT-MT ngày 19/7 của Bộ Y tế, không kiểm tra Giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển HOẢ TỐC 2 và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá khi lưu thông giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang cùng thực hiện Chỉ thị số 16 gồm TP HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và 16 tỉnh thực hiện giãn cách theo Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương.

Không thực hiện kiểm tra phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát dịch trên tất cả các tuyến giao thông đối với phương tiện vận tải hàng hoá có Giấy nhận diện phương tiện theo thời hạn do Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp; Chỉ thực hiện kiểm tra (thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát trên tuyến) đối với các phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống dịch và an toàn giao thông; Xử lý nghiêm theo quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải hàng hoá vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 bị phát hiện trong quá trình kiểm tra tại địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá hoặc trên tuyến.

Bộ Y tế yêu cầu bố trí nhân lực và Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các điểm tập kết phương tiện do địa phương tổ chức (các điểm dừng nghỉ, bến xe khách, bến xe tải, cảng biển, cảng bến thuỷ nội địa, điểm neo đậu phương tiện thuỷ nội địa) trên địa bàn để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người điều khiển và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận tải hàng hoá đi từ khu vực áp dụng Chỉ thị đến khu vực áp dụng quy định phòng, chống dịch cấp độ thấp hơn.

Trường hợp bất khả kháng (do sự cố liên quan đến phương tiện vận chuyển, lý do thời tiết, hạ tầng giao thông,…) thời gian đến điểm cuối hành trình vượt quá 3 ngày (72h), thì tạo điều kiện cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá, nhân viên nghiệp vụ đi cùng được lấy mẫu và xét nghiệm tại các điểm tập kết phương tiện do địa phương tổ chức (đảm bảo thời gian 72h kể từ khi có kết quả xét nghiệm đến thời điểm kết thúc hành trình vận chuyển).  

Sở Y tế ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ bắt buộc đi cùng trên phương tiện vận tải hàng hoá, đặc biệt là những người hoạt động trên các tuyến vận tải bên trong hoặc ra vào khu vực thực hiện Chỉ thị 16. Tại các điểm tập kết phương tiện, miễn phí bộ kít xét nghiệm bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện có Giấy nhận diện phương tiện theo thời hạn do Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.

Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch không phát sinh thêm các yêu cầu đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi đến mức tối đa cho công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

 Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-y-te-ban-hanh-cong-van-khan-ve-van-chuyen-hang-hoa-d161372.html