Bộ Y tế: Việt Nam vượt chỉ tiêu bao phủ vắc xin phòng COVID-19 của tổ chức WHO

28/12/2021 06:53

Kinhte&Xahoi Ngày 27/12, Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao, tổ chức lễ mít tinh bằng hình thức trực tuyến, kết nối 63 tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh (27/12) với chủ đề "Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ".

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 thần tốc đạt hiệu quả cao

Sự kiện này là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, vai trò của của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh nói chung và tiêm chủng phòng COVID-19, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ.

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park nhấn mạnh: "Vắc xin phòng COVID-19 là một thành công chưa từng có khi chúng ta có vắc xin an toàn và hiệu quả được phát triển trong vòng một năm với hơn 8,6 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng. Điều thực sự ấn tượng là Việt Nam đã có thể bảo đảm hơn 160 triệu liều vắc xin và cung cấp hơn 140 triệu liều vắc xin cho người dân đủ điều kiện trong một thời gian ngắn như vậy".

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã chỉ ra tầm quan trọng của hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự bùng phát bệnh truyền nhiễm.

Ngay từ đầu dịch, Việt Nam đã tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với chiến lược "Chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả"; các hoạt động giám sát, xét nghiệm, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân đã được triển khai hiệu quả với nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với diễn biến dịch.

Đặc biệt đã thực hiện tiếp cận các nguồn vắc xin phòng COVID-19 từ sớm qua nhiều phương thức khác nhau như tham gia Chương trình COVAX Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, ngoại giao vắc xin với các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước".

Tính đến ngày 24/12/2021 cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vắc-xin trong tổng số hơn 166 triệu vắc xin được phân bổ. Tỉ lệ bao phủ 1 liều vắc xin 79%, tỉ lệ bao phủ đủ liều vắc xin cơ bản 66% tổng dân số Việt Nam.

Tỉ lệ này đã vượt mục tiêu đề ra của tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021 mỗi quốc gia phấn đấu trên 40% dân số của quốc gia được tiêm phòng chống Covid-19.

"Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12 năm 2021, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi 1 cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%), đồng thời cũng sẽ bao phủ cơ bản đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, căn cứ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tốc độ tiêm chủng cũng như tỷ lệ bao phủ vắc xin của Việt Nam đã đạt tới mức độ cao trong khu vực và trên thế giới.

Các điểm cầu dự lễ mit tinh sáng ngày 27/12

Nhờ đó Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để thành công trong công tác ngoại giao vắc xin và tiếp cận được nhiều vắc xin hơn so với số đã được cam kết từ đầu năm 2021. Đây là kết quả rất quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, tổ chức tiêm vét vaccine, thực hiện tiêm lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ, tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao theo dõi sức khỏe, xử trí và điều trị ngay khi phát hiện.

Theo Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới Kidong Park, mặc dù chúng ta có thể không diệt trừ được virus và khó có thể dự đoán được các kịch bản về đột biến của virus trong tương lai. Nhưng giờ đây, chúng ta biết cách cứu sống tính mạng con người và giải quyết các tác động xấu đến kinh tế -xã hội. Chúng ta nên tiếp tục bảo vệ nhóm dân số dễ bị tổn thương, người già và những người mắc bệnh nền.

Bộ Y tế đề nghị đến ngày 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi "Toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hãy đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng"

Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/viet-nam-vuot-chi-tieu-bao-phu-vac-xin-phong-covid-19-cua-to-chuc-who-186613.html