Dự án Khu dân cư xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Thông tin một cá nhân trúng đấu giá tất cả 233 lô đất đã được xây dựng đầy đủ hạ tầng, kỹ thuật tại dự án khu dân cư xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, Thái Bình đang gây xôn xao dư luận.
Với số tiền 152 tỷ đồng cá nhân trên phải bỏ ra để "ôm" trọn 233 lô đất trên, tính ra đơn giá trung bình trúng đấu giá tại dự án trên là hơn 4,3 triệu đồng/m2.
Được biết, kinh phí xây dựng hạ tầng, kỹ thuật trên các lô đất này được lấy từ ngân sách nhà nước.
Điều khiến dư luận băn khoăn là tại sao huyện Tiền Hải lại sử dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trọn gói thay vì đấu lẻ như vậy? Cơ sở nào để huyện sử dụng hình thức đấu giáy này? Đơn giá trúng đấu giá khu đất trên có chênh lệch so với giá thị trường?
Về mặt pháp lý, LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Luật Đấu thầu không cấm đấu giá trọn gói hay đấu giá lẻ, việc lựa chọn hình thức đấu giá nào do bên tổ chức đấu giá (UBND địa phương hoặc Trung tâm quỹ đất đứng ra) xác định dựa trên nhu cầu của mình, miễn là không trái luật.
"Ở đây, có thể bên tổ chức đấu giá không thể đợi bán lẻ từng lô đất do không gọn", ông Tám nhận xét.
Theo vị luật sư, thông thường, theo quy định của Luật Đất đai và các quy định về đấu giá, đất đem đấu giá phải là đất đã được giải phóng mặt bằng (đất sạch). Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nơi chỉ là đất thô, giải phóng xong để bên trúng đấu giá xây dựng quy hoạch 1/500, làm cơ sở hạ tầng.
Trong trường hợp dự án khu dân cư xã Đông Lâm, Tiền Hải, Thái Bình, các lô đất đã được xây dựng hạ tầng, kỹ thuật rồi mới đem đấu giá.
"Ở đây có lẽ có sự thay đổi kế hoạch nào đó, còn thông thường chính quyền đã bỏ tiền làm hạ tầng thì rất ít khi đem đấu giá như vậy.
Dù đấu giá không sai luật khi thấy những dấu hiệu bất thường trong vụ việc trên như: giá trúng đấu giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường; người trúng đấu giá ngay sau đó nhận đặt cọc mua bán, giữ chỗ đối với các lô đất trên khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... như báo chí phản ánh thì phải xem xét, điều tra xem có lợi ích nhóm, đấu giá theo kiểu có "chân gỗ" để thông đồng nhau, ghìm giá thấp xuống, làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước hay không? Nếu có thì phải xử lý trách nhiệm, thậm chí xử lý hình sự các hành vi này", Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân tích.
Theo LS Trương Xuân Tám, trên thực tế, thông qua đấu giá đã có nhiều vụ tham nhũng xảy ra. Ngoài trên, không ít trường hợp đấu giá có hiện tượng một người trả giá cao, những người khác trả giá thật thấp và người trúng sẽ có hoa hồng cảm ơn những người đó.
Tại Thái Bình, vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) được xác định đã thao túng kết quả nhiều vụ đấu giá đất, thường trúng đấu giá đất bằng cách gây sức ép với người mua khác. Công an tỉnh Thái Bình cũng đã bắt một số cán bộ tiếp tay cho vợ chồng Đường Nhuệ thao túng đấu giá đất.
Bởi vậy, một lần nữa vị luật sư đề nghị cần tìm hiểu, làm rõ những nghi ngại trên trong vụ đấu giá các lô đất tại dự án đất khu dân cư xã Đông Lâm ở Tiền Hải.
Theo tìm hiểu của PV, đang có cơn "sốt" đất nền tại Đông Lâm, Tiền Hải. Nhiều sàn bất động sản, môi giới bất động sản ở Thái Bình quảng cáo, đất nền Đông Lâm đang là sản phẩm hot nhất khu vực Tiền Hải, Thái Bình và hối thúc nhà đầu tư giữ chỗ, chọn cho mình lô đất đẹp để đón đầu cơn sốt.
Theo quảng cáo của nhiều sàn, nhân viên môi giới bất động sản, dự án Đông Lâm "chưa bao giờ hạ nhiệt với các nhà đầu tư" do nằm cạnh đường vành đai ven biển, lại là trạm dừng nghỉ của các xe đi qua, thích hợp để ở và kinh doanh khi cao tốc hoàn thành. Cạnh khu quy hoạch là khu công nghiệp kinh tế ven biển sắp triển khai với quy mô lớn; dự án gần biển, khu nghỉ dưỡng Đồng Châu...
"Nên đầu tư vào dự án Đông Lâm vì giá vừa rẻ, hạ tầng lại đẹp mà tương lai", một nhân viên môi giới bất động sản quảng cáo.
Với khẳng định "tính thanh khoản cao, đầu tư sinh lời cực nhanh", giá đất nền phổ biến ở Đông Lâm được các nhân viên môi giới bất động sản rao bán dao động từ 6 đến gần 12 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Thành Luân