Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Dự tại điểm đầu thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn.
Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong 9 tháng của năm 2021 (tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/9/2021), toàn quốc xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.175 người, bị thương 5.645 người. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 2.527 vụ (tương đương 23,64%), giảm 817 người chết (16,37%), giảm 2.237 người bị thương (28,38%).
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu quyết tâm phấn đấu đạt cho được mục tiêu năm 2021 kéo giảm tai nạn giao thông 10% cả 3 tiêu chí so với năm 2020 ở mỗi địa phương
Thống kê cho thấy, có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ, trong đó có 11 địa phương giảm trên 30% số người chết. Đặc biệt, An Giang và Đồng Tháp giảm trên 50%.
Tuy nhiên, vẫn còn 9 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2020 là: Quảng Bình, Tiền Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Thái Bình, Kiên Giang, Hậu Giang, Điện Biên và Quảng Trị.
Về tình hình ùn tắc giao thông, trên địa bàn Hà Nội vào những thời điểm chưa thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn hiện tượng ùn tắc tại các tuyến đường đang thi công xây dựng đường sắt trên cao; Còn nhiều trường hợp đi vào đường ngược chiều, đi lên vỉa hè do ùn tắc cục bộ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thành phố quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông để bảo đảm giãn cách xã hội nên không còn xảy ra tình trạng ùn tắc mà chỉ xảy ra ùn tắc cục bộ tại các chốt kiểm soát dịch trên đường bộ là cửa ngõ vào thành phố, như chốt tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
“Do tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội. Một số địa phương tuy không thực hiện giãn cách xã hội nhưng đã ban hành các quy định chặt chẽ về phòng, chống dịch đối với người và phương tiện ra vào địa bàn, dẫn đến lưu lượng tham gia giao thông giảm nhiều so với trước đó. Do vậy đã góp phần vào việc kéo giảm tai nạn giao thông”, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định.
Cũng theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 9 tháng của năm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng phương tiện; Còn xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người.
Vẫn còn tình trạng xe khách, xe tải chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở quá tải trọng, quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, vi phạm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Người dân ở khu vực ngoài đô thị đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm. Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Hà Nội đã giải quyết được 10 điểm ùn tắc giao thông
Tham luận tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người, bị thương 376 người. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 125 vụ (17,5%), giảm 50 người chết (16,7%), giảm 101 người bị thương (21,2%).
Toàn thành phố đã tập trung xử lý, khắc phục được 19/27 “điểm đen” về tai nạn giao thông; 6/37 điểm ùn tắc giao thông, phấn đấu trong năm 2021, giải quyết được 10 điểm ùn tắc giao thông.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo tại hội nghị
Cũng trong 9 tháng qua, các lực lượng chức năng của thành phố đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm, vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa; Đẩy mạnh xử lý phạt “nguội” qua hệ thống camera. Theo đó, đã kiểm tra, xử phạt hành chính 319.629 trường hợp, phạt tiền hơn 200 tỷ đồng, tạm giữ 14.812 phương tiện vi phạm, tước giấy phép lái xe 14.437 trường hợp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 9 tháng qua là tích cực. Tuy nhiên, số người chết và bị thương còn lớn nên không được lơ là, chủ quan. Tới đây, khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, quay trở lại trạng thái bình thường mới, nhu cầu giao thông tăng cao, do đó cần hết sức quyết liệt để kiểm soát tốt tình hình tai nạn giao thông.
Trong các tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các địa phương. Các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy hoạch pháp luật theo chức năng nghiệp vụ. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kết hợp phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông.
UBND các tỉnh, thành phố ban hành quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm; Thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết 128/NQ-CP đã được Chính phủ ban hành, trong đó, yêu cầu triển khai nhiều giải pháp, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa và hành khách. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương không dùng các biện pháp hạn chế, cản trở giao thông.
Thanh Hà - TTTĐ