Bão tuyết tại California, Mỹ (Ảnh: Reuters)
Nước Mỹ đang trải qua hai trạng thái thời tiết trái ngược nhau, trong khi hơn 20 bang hứng chịu bão tuyết lớn, một số khu vực ở miền Nam ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục vào mùa đông.
Tại Mỹ, một cơn bão bất thường kèm theo mưa, mưa đá và tuyết vừa tấn công nhiều địa điểm gần như không bao giờ có tuyết tại bang California. Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cho biết, đây là một trong những cơn bão mùa đông mạnh nhất từng tấn công khu vực này. Nhiều người dân cũng chia sẻ, họ chưa từng chứng kiến những trận mưa tuyết như vậy trong đời tại California .
Trước đó, các cơn bão mùa đông kéo dài đã gây ra những tác động đáng kể tại miền Tây, Trung Tây và vùng Great Lakes của Mỹ.
Hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến hơn 7 nghìn chuyến bay trên khắp nước Mỹ bị hoãn hoặc hủy trong ngày 22/3. Nhiều trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa. Theo thống kê, hơn 995 nghìn người tại 5 bang của Mỹ đã bị mất điện sinh hoạt, trong đó có hơn 770 nghìn người tại Michigan. Một lính cứu hỏa đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ do đường dây điện bị đứt.
Trong khi đó, các khu vực miền Nam lại đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Nền nhiệt ghi nhận tại một số thành phố ở các bang như Kentucky và Tennessee trong ngày 22/2 xô đổ các kỷ lục đã tồn tại trong hơn một thế kỷ. Nhiệt độ tại thủ đô Washington cũng lên tới mức 27,2 độ C trong ngày 23/2 - phá vỡ kỷ lục ghi nhận năm 1874.
Mưa lớn bất thường đã gây ra lũ lụt và sạt lở đất ở vùng duyên hải Đông Nam Brazil (Ảnh: AP)
Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề tại Brazil. Lũ lụt, lở đất do mưa lớn ở vùng duyên hải Đông Nam Brazil vào tuần trước đã khiến ít nhất 48 người tử vong, hàng chục người vẫn còn đang mất tích. Các cơn bão đã trút lượng mưa lớn kỷ lục 680mm xuống vùng này trong 24 giờ, nhiều hơn gấp đôi lượng mưa trung bình trong cả tháng 2.
Nhiều nhà dân đã bị nước lũ cuốn trôi. Các gia đình phải đào bới đống đổ nát để tìm những người thân bị mắc kẹt bên trong. Khoảng 2.500 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Tại Châu Âu, đợt nắng nóng trong mùa đông đã phá vỡ nhiều kỷ lục nhiệt độ trên khắp châu lục này ngay từ những ngày đầu năm.
Các quốc gia Châu Âu ghi nhận những ngày nóng nhất trong lịch sử có Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Belarus, Latvia và Litva. Nhiệt độ cũng tăng cao kỷ lục ở Pháp, Đức và Ukraine.
Thời tiết ấm áp và lượng tuyết rơi ít đã buộc một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở phía Bắc dãy núi Alps và Pyrenees thuộc Pháp phải đóng cửa.
Guillaume Séchet, nhà khí tượng học ở Pháp cho biết, Châu Âu đã “trải qua một trong những ngày có khí hậu khó tin nhất trong lịch sử” vào ngày đầu tiên của năm 2023.
Các lều tạm bị người dân bỏ lại khi phải sơ tán do hạn hán tại Gode, Ethiopia ngày 12/1/2023 (Ảnh: AFP)
Italy thì đang phải đối mặt với nguy cơ của đợt hạn hán nghiêm trọng, sau một mùa đông ít mưa và tuyết. Năm ngoái, hạn hán đã làm ngành nông nghiệp nước này thiệt hại 6,4 tỷ USD.
Các khu vực rộng lớn của sông Po, con sông dài nhất Italy, cung cấp nước cho một số vùng miền Bắc và Trung, đã bị khô hạn.
Mực nước thấp hơn bất thường ở Venice đã làm cạn kiệt các con kênh trong thành phố, khiến những chiếc thuyền gondola truyền thống bị mắc cạn.
Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Italy cho biết, lượng mưa ở miền Bắc nước này đã giảm 40% trong năm 2022. Việc không có mưa kể từ đầu năm 2023 là nghiêm trọng.
Các nhà khoa học cho biết việc hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên là một dấu hiệu nữa của khủng hoảng khí hậu.
Đông Phi cũng đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua, sau 5 mùa mưa thất bát. Khu vực này sắp bước vào mùa mưa thứ 6 nhưng triển vọng cũng kém hiệu quả. Hạn hán đang ảnh hưởng đến 22 triệu người tại Đông Phi.
Giám đốc khu vực Đông Phi của Chương trình lương thực thế giới cho biết, hàng triệu người ở Đông Phi có nguy cơ rơi vào cảnh chết đói, giữa lúc khu vực này phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận.
Tại Canada, sân trượt băng ngoài trời lớn nhất thế giới Rideau Canal Skateway, đặt tại Ottawa được dự đoán không thể hoạt động vào mùa đông 2023 vì thiếu băng.
Theo cơ quan Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, Ottawa đang trong giai đoạn mùa đông ấm thứ ba từng được ghi nhận. Nhiệt độ liên tục chỉ dưới 0 độ chút ít trong gần như cả giai đoạn từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 năm nay. Nhiệt độ như vậy không thể tạo ra được lớp băng đủ cứng để đảm bảo an toàn cho người trượt băng.
Sân trượt băng Rideau Canal Skateway thường mở cửa trong 30 - 60 ngày từ cuối tháng 12. Tuy nhiên, càng về sau, thời điểm mở cửa sân trượt băng này càng muộn hơn, với thời gian bị rút ngắn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ngọc Ly - TTTĐ