Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, ngành Y tế cùng với cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy lùi đại dịch, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Những “chiến sỹ” blouse trắng đã ý thức được đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác phòng, chống dịch COVID-19, càng khó khăn bao nhiêu càng phải quyết tâm hơn.
Những chiến sĩ mặc áo blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch COVID- 19. Ảnh minh họa TTXVN
Những “chiến sỹ” áo Blouse dũng cảm
Có thể nói, trong "cuộc chiến" với đại dịch COVID-19, y tá, BS luôn là những "chiến sỹ" tiên phong trên tuyến đầu chống dịch. Vượt lên tất cả những khó khăn, vất vả, trong đó có cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh, họ đã và đang ngày đêm âm thầm cống hiến, góp một phần không nhỏ cùng cả nước chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.
Chúng ta sẽ không quên được hình ảnh những “chiến sỹ” áo trắng có mặt khắp các điểm nóng giữa trời nắng 39 - 40 độ lấy mẫu xét nghiệm truy tìm COVID-19. Ai cũng biết rằng, khoác lên người bộ đồ bảo hộ rất khó chịu và bất tiện nhưng vì yêu cầu đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch mà các nhân viên y tế phải mang trên mình bộ đồ đó. Phía sau những bộ đồ bảo hộ ấy lại là một hình ảnh khác thương cảm đến nghẹn lòng. Sau khi cởi bỏ lớp khẩu trang, bộ đồ bảo hộ, những vết hằn, mụn, vết thương ngoài da… hiện hữu, dù vậy, nhưng họ vẫn quên đi nỗi đau để tiếp tục làm nhiệm vụ lấy mẫu, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19.
Ví dụ thực tế, tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM) bắt đầu triển khai từ chiều tối 19/7. Bệnh viện còn có sự đóng góp và trực tiếp tham gia điều trị của các y BS đến từ Quảng Ninh, Sơn La… và sự hỗ trợ của dân quân tự vệ, tình nguyện viên tại TP HCM.
Theo dõi sức khỏe cho người dân tại khu vực cách ly. Ảnh: DongNaiCDC
Là người tình nguyện duy nhất xin vào đội cấp cứu của Bệnh viện Dã chiến số 12, BS Lê Hữu Hoàng Hải nhận thấy tình hình dịch bệnh phức tạp, các y BS tuyến đầu bị quá tải nên đã đăng ký tham gia. Theo chia sẻ của BS Hoàng Hải, công việc ở đội cấp cứu rất vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng với suy nghĩ càng khó khăn, nguy hiểm thì bản thân càng phải dấn thân, đây là cơ hội để học hỏi, trải nghiệm.
Hay tại Hà Tĩnh, ngay khi xuất hiện các trường hợp đi về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng dịch, những "chiến sỹ" khoa Cận lâm sàng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh đã lập tức lên đường. Mặc dù, có nguy cơ lây nhiễm rất cao vì tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, có những ngày phải đến lấy mẫu 2-3 lần tại cùng một điểm hay phải lao mình đi giữa đêm khuya lấy mẫu, nhưng các “chiến sỹ” áo Blouse trắng không hề nao núng trong bất cứ tình huống nào, khi có lệnh điều động là lập tức chuẩn bị dụng cụ, trang phục khẩn trương lên đường. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ y tế trạm, y tế thôn đã phối hợp với chính quyền địa phương "trắng đêm" truy vết các trường hợp F1, F2. Mặc dù vậy, họ vẫn không cảm thấy uể oải, chán nản.
TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của những cán bộ y tế, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và nhiều hiểm nguy, thế nhưng những “chiến sỹ” áo Blouse trắng vẫn không nề nao núng, họ vẫn luôn vững vàng, kiên cường ở nơi tuyến đầu chống dịch, sẵn sàng dấn thân để thực hiện sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Gian khổ là vậy, thế nhưng, tuyệt nhiên chẳng có lời nào từ chối, họ - những “chiến sĩ” áo trắng luôn đồng lòng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Nguyễn Khánh
Hy sinh hạnh phúc cá nhân
Đợt dịch thứ 4 này diễn biến phức tạp hơn các đợt dịch trước đó, đồng nghĩa với việc các y, BS phải vất vả bội phần. Có những người đã thực sự hy sinh mà gần như không có gì bù đắp được. Nghĩ đến sự xả thân đó, ai ai cũng đều thấy bản thân phải có trách nhiệm hơn với “cuộc chiến” này, để cùng nhau đi đến thắng lợi cuối cùng.
Với viên y tế, họ phải lao vào tâm dịch, phải trực tiếp chăm sóc và cứu chữa cho người bệnh. Biết là nguy hiểm, thậm chí có thể phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình, nhưng vì nhiệm vụ họ bất chấp mọi nguy hiểm, sẵn sàng lên đường chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng những “chiến sỹ áo trắng” vẫn xông pha đến các điểm nóng của dịch bệnh, thức trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm, hy sinh hạnh phúc cá nhân,… để ngày đêm túc trực bên buồng bệnh, tận tình chăm sóc bệnh nhân.
Th thần trách nhiệm và sự hy sinh to lớn của những “chiến sĩ” áo trắng trên tuyến đầu chống dịch được người dân cả nước ghi nhận và biết ơn sâu sắc. Nhiều người hy vọng sự hy sinh đó phải được bù đắp xứng đáng bằng chế độ lương, thưởng phù hợp với công sức họ đã bỏ ra, thể hiện sự quan tâm đối với những người đã không quản khó khăn, vất vả để ngày đêm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, giúp họ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM đã đến thăm và động viên y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh: B.Loan
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng những “chiến sỹ” áo trắng vẫn không hề “buông”, thay vào đó, họ vẫn luôn vững vàng, kiên cường nơi tuyến đầu chống dịch, sẵn sàng dấn thân để thực hiện sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Suy cho cùng, trong trận chiến chống dịch đầy khốc liệt này, chắc chắn có những hy sinh, mất mát, những nỗi đau khó diễn tả thành lời, nhưng vượt qua tất cả - như lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng gửi gắm trong bức thư gửi các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế: "Hơn ai hết, mỗi nhân viên y tế luôn ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ cao cả của mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh...
Mỗi cá nhân, tập thể trong ngành Y tế tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".
Hùng Tâm - Pháp luật Plus