Lực lượng cứu hộ phá lồng sắt trên tầng 2, cứu người thoát ra khỏi đám cháy nhà dân tại quận 12 (thành phố Hồ Chí Minh) hôm 4-7 (ảnh cắt từ video clip hiện trường).
Nguy cơ rình rập
Sáng 8-7, đọc thông tin về vụ cháy tại ngõ Thổ Quan, Hà Nội, bà Dương Bích Diệp, ngụ tại hẻm 60/66 đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7 (thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Thật đau xót! Xin chia buồn cùng gia đình! Nhưng tôi thấy cần có hành động quyết liệt cho việc phòng, chống cháy nổ ở nhà dân. Rất cần có quy định cứng về lối thoát hiểm thứ 2 trong nhà ống, nhà chung cư. Không thể để những vụ thương tâm thế này tiếp tục xảy ra”.
Lo lắng của bà Diệp cũng là lo lắng của rất nhiều người, nhất là những người dân đang sống trong những căn nhà phố ngay bên cạnh những cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở. Phần lớn những căn nhà này chỉ có 1 lối ra vào duy nhất ở tầng 1. Nếu xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ bít lối thoát duy nhất này; khói bốc lên cao, dễ gây ngạt cho người trong phòng kín, nhất là với những người không có kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy.
Vụ cháy tối 28-5-2023 tại quận Tân Phú (thành phố Hồ Chí Minh) khiến 1 nạn nhân 22 tuổi thiệt mạng do không thể thoát hiểm.
Ngay sáng 8-7, ông Nguyễn Trung Nghĩa ngụ tại mặt đường Lâm Văn Bền gần nhà bà Diệp, đã kêu thợ sắt về nhà cắt lồng sắt trên sân thượng, tạo thành một cửa thoát hiểm sang nhà bên cạnh, phòng khi có cháy nổ. Ông Nghĩa nói: “Ngay sát nhà tôi là cửa hàng sơn, vật liệu xây dựng. Đó là những chất dễ cháy. Tôi làm cửa thoát hiểm trên sân thượng để phòng khi bất trắc. Trước đây, tôi không làm vì lo chống trộm, nhưng nay thấy cần thiết phải có lối thoát thứ 2 này”.
Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Nghĩa mới chỉ là những nỗ lực cá nhân, chưa phải là quy định bắt buộc trong phòng cháy chữa cháy.
Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản dưới luật hiện hành đã đề cập các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với các công trình nhà ở. Trong đó, với nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên và nhà ở kết hợp kinh doanh, quy định về phương án phòng cháy khá chặt chẽ. Tuy nhiên, quy chuẩn số 06/2021 không bắt buộc áp dụng phương án phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 6 tầng trở xuống.
Lực lượng cứu hộ giải cứu nạn nhân vụ cháy nhà hàng 7 tầng tại quận 1 (thành phố Hồ Chí Mknh) hôm 29-6-2023.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn cho thấy, trong năm 2022, toàn thành phố xảy ra 232 vụ cháy, làm 4 người chết, 14 người bị thương, 75 người được lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp hỗ trợ thoát ra ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 95 vụ cháy, giảm 11,2% so với cùng kỳ. Các vụ cháy làm 3 người chết và 9 người bị thương; trị giá tài sản thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng (còn 50 vụ chưa thống kê được thiệt hại). Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Đáng chú ý, các vụ cháy dẫn đến chết người đều xảy ra ở nhà ở kết hợp kinh doanh hoặc không có lối thoát hiểm thứ 2.
Rất cần lối thoát hiểm thứ 2
Qua quá trình vận động của Công an thành phố Hồ Chí Minh, hiện đã có hơn 1,4 triệu hộ dân mở lối thoát hiểm thứ 2, hơn 1,6 triệu hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, hơn 1,6 triệu hộ trang bị phương tiện thoát nạn tại chỗ. Thành phố đã xây dựng được gần 500 tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy và hơn 660 điểm chữa cháy công cộng.
Tài liệu tuyên truyền của ngành Công an về xây dựng lối thoát hiểm thứ 2 cho nhà ống.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, trong nửa cuối năm 2023, Công an thành phố tiếp tục vận động người dân tự trang bị lối thoát hiểm thứ 2, trang bị bình chữa cháy và dụng cụ thoát nạn. Cùng với đó, tham mưu khắc phục triệt để những tồn tại trong công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn.
Đáng chú ý, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) đang hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế, dự kiến ban hành vào tháng 9-2023. Theo đó, mọi nhà ở riêng lẻ phải bắt buộc có 1 lối thoát hiểm ở tầng 1; nhà ở kết hợp kinh doanh có ít nhất 2 lối thoát nạn. Mỗi lối rộng tối thiểu 0,8m, cao 1,9m, luôn phải để thông thoáng và có phương án ngăn cách với các vật liệu dễ cháy gần đó.
Những vị trí khuyến cáo có thể bố trí lối thoát hiểm thứ 2 trong nhà ống.
Cũng theo dự thảo, lối thoát hiểm thứ 2 có thể bố trí qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà… để thoát nạn khi cần thiết. Nếu tạo lối thoát qua lồng sắt, cửa thoát cần có kích thước tối thiểu 0,8x0,8 m. Nếu trổ cửa qua mái, phải bảo đảm kích thước tối thiểu 0,6x0,8 m.
Trường hợp không thể bố trí đường thoát nạn, lối ra thoát nạn riêng hoặc lối ra phụ ở tầng 1, cần có các khu vực lánh nạn tạm thời ở các tầng tại các vị trí ban công hoặc lô-gia, được quây bằng tường và cửa chống cháy hoặc vật liệu khó cháy.
Công an thành phố Hồ Chí Minh diễn tập phương án cứu nạn từ lối thoát hiểm nhà cao tầng.
Nhà có sân thượng cần bố trí lối lên sân thượng qua cửa có chiều rộng tối thiểu 0,8m, chiều cao tối thiểu 1,9m, Đặc biệt, dự thảo quy định không xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên. Hy vọng các quy định “cứng” này sẽ giúp giảm thiểu hậu quả thương tâm trong các vụ cháy nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh.
Nhóm Phóng viên - Hà Nội mới