Cần cơ chế đặc thù xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô

14/02/2022 16:30

Kinhte&Xahoi Sáng 14-2, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo trực tiếp và trực tuyến “Tham gia ý kiến với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc hội thảo.

Tham dự tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố Hà Nội có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cùng đại diện các cơ quan trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải và môi trường, thành viên Hội đồng thẩm định Báo cáo tiền khả thi Dự án và đại diện các sở, ngành liên quan.

Hội thảo được kết nối tới điểm cầu hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, địa phương có đường Vành đai 4 đi qua.

Ba hợp phần dự án, tổng mức đầu tư 87.225 tỷ đồng

Phát biểu khai mạc, đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4, xét đề nghị của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP xin lập hồ sơ đề xuất đầu tư Dự án, UBND thành phố đã giao đơn vị cùng Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) lập hồ sơ đề xuất, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đến nay, hồ sơ đã cơ bản hoàn thành.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn cho biết, Dự án có tổng cộng 23 điểm giao cắt, trong đó có 5 vị trí nút giao với đường cao tốc. Về phạm vi giải phóng mặt bằng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, tính toán cụ thể theo đúng quy định của các địa phương, bảo đảm tính đúng, tính đủ.

Tổng diện tích đất chiếm dụng của Dự án khoảng 1.341 ha (Hà Nội: 741 ha; Hưng Yên: 274 ha và Bắc Ninh 326 ha). Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 14.647 hộ, số hộ tái định cư khoảng 1.997. Sau khi rà soát kỹ lưỡng, tổng mức đầu tư của dự án là 87.225 tỷ đồng.

Về phương án đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và phương thức đối tác công tư; được chia thành 7 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và Dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công với cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn trung ương và vốn địa phương; Dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng PPP) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Dự án được phân chia thành 3 hợp phần. Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong giai đoạn 2021-2027, trong đó hợp phần 1, 2 thực hiện trong giai đoạn 2023-2026; hợp phần 3 từ 2023-2027 và hợp phần này dự kiến đưa vào khai thác đầu năm 2028.

Để bảo đảm tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức thực hiện, nguồn vốn đầu tư, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương dự án thành phần, thẩm định, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh các dự án thành phần, cơ chế chỉ định thầu…

Cần cơ chế đặc thù thúc đẩy dự án hạ tầng kết nối 

Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đồng tình về sự cần thiết và chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để kết nối đồng bộ, tăng cường năng lực, giải phóng ùn tắc giao thông; đồng thời mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng Thủ đô.

TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, dù được thực hiện trong thời gian ngắn, hồ sơ dự án đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đưa ra cơ bản đầy đủ luận cứ, tư liệu. Theo TS Nguyễn Đức Hiển, hồ sơ dự án nên bám sát Nghị quyết 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phát triển hạ tầng dùng chung giữa các đô thị để thúc đẩy quá trình kết nối, trong đó đô thị động lực Vùng Thủ đô đóng vai trò rất quan trọng.

 Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được nhiều đại biểu đánh giá công phu, kỹ lưỡng.

“Cần phải có các cơ chế đặc thù để tháo gỡ, thúc đẩy dự án về hạ tầng nói chung, trong đó có hạ tầng kết nối các đô thị là rất cần thiết, phù hợp với định hướng lớn thể hiện trong Nghị quyết 06-NQ/TƯ”, đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên nêu, dự thảo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần bổ sung các lập luận, giải trình về các đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt về việc huy động vốn để tạo sức thuyết phục.

Đại diện các hiệp hội đã đóng góp nhiều ý về chuyên môn, kỹ thuật. PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đề nghị các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu phát triển, dự báo lưu lượng xe, chọn quy mô, phân kỳ đầu tư cho phù hợp; quan tâm thêm về hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đi theo đường cao tốc bởi ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật và an toàn giao thông; lưu tâm đến quy hoạch tổng thể mỹ học, kiến trúc cảnh quan của tuyến đường để bảo đảm hài hòa, bền vững, lâu dài với phát triển đô thị cũng như công tác quản lý khai thác vận hành, bảo trì, bảo hành tuyến đường…

Cùng quan tâm đến yếu tố thiết kế, cảnh quan của tuyến đường, PGS.TS Tống Trần Tùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam lưu ý đến việc cần có chỉ tiêu khống chế ngay từ đầu mật độ xây dựng, phân bổ mật độ dân số xung quanh tuyến đường. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ các dự án khác, số lượng nút giao với cao tốc, quốc lộ tại khu vực phía Nam của tuyến đường còn thiếu và Dự án nên đề cập số lượng lối vào - ra của tuyến đường.

PGS. TS Hoàng Hà, Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam cho rằng dự án nên thiên về phương án đi cao với tỷ lệ lớn để giải quyết xung đột giao thông dưới thấp hiện nay; bố trí các tuyến đường gom liên tục tại các tuyến vành đai lớn và phải thiết kế đồng bộ phương án thoát nước cục bộ ngoài khu vực dự án; tính tới khả năng chia sẻ lưu lượng khi kết nối và ảnh hưởng các tuyến giao thông khác.

 TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, cần xác định đường Vành đai 4 là đường cao tốc đô thị. Chức năng của đường cao tốc đi trong đô thị tạo động lực phát triển đô thị. Việc quản lý, vận hành theo cơ chế của đường cao tốc - Hệ thống giao thông thông minh (ITS). Về các nút giao cắt, nếu không xác định rõ thì tuyến đường sẽ trở thành đường đô thị. Do đó phải tính đến việc đầu tư đồng bộ, các nút giao để phân luồng từ xa, mang tính kết nối.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, UBND thành phố Hà Nội sẽ giao đơn vị tư vấn và cơ quan chức năng của 3 tỉnh, thành phố hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền. Thành phố đồng thời giao cơ quan chức năng phối hợp các đơn vị liên quan của các tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các các cơ quan liên quan của Trung ương tập trung triển khai quyết liệt các công việc với tinh thần khẩn trương, đảm bảo đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư dự án.

 Bảo Hân - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1024694/can-co-che-dac-thu-xay-dung-duong-vanh-dai-4---vung-thu-do