Cần thấm nhuần sâu sắc bài học xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong quá trình phát triển Thủ đô

06/07/2021 15:46

Kinhte&Xahoi Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Bài viết của Tổng Bí thư đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương.

Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng về những vấn đề lý luận gắn với thực tiễn tại Thủ đô với tiêu đề: “Cần thấm nhuần sâu sắc bài học xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong quá trình phát triển Thủ đô”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Chỉnh đốn Đảng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết

Đảng bộ Thủ đô Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước, với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở và hơn 45 vạn đảng viên. Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã và đang triển khai phổ biến nội dung, tinh thần bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, tuyên truyền trong nhân dân. Có thể nhận thức sâu sắc rằng, bài viết của Tổng Bí thư là một công trình nghiên cứu có tầm chiến lược và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, tư duy lý luận sâu sắc, khoa học, toàn diện với nhiều luận điểm mới, phản ánh cả tầm tư tưởng, lý luận và thực tiễn.

Một trong những vấn đề lớn mà chúng ta phải quan tâm, được Tổng Bí thư chỉ ra trong bài viết đó là: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”; đồng thời Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”; “Đảng ta kiên trì lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng”.

Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã chứng tỏ, ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang, giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có được những thành tựu đó là do từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, Đảng ta đã kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định: “Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới”.

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tổng kết 5 bài học lớn; trong đó, bài học kinh nghiệm đầu tiên là về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đã nhấn mạnh: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn cách mạng mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Chính “một bộ phận không nhỏ” này đã và đang làm suy yếu Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Điều này một lần nữa được Tổng Bí thư chỉ rõ trong bài viết: “Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa,… nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn”. Đây là định hướng quan trọng để cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những thời cơ, vận hội mới, dân tộc ta cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức, đặc biệt là các mối đe dọa độc lập, chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước, nhất là trên Biển Đông; vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; sự chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch… Trước yêu cầu mới ngày càng cao của công cuộc đổi mới, nếu Đảng không giữ vững bản chất cách mạng, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí và hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.

Nếu Đảng không vững mạnh, trong sạch thì niềm tin trong dân sẽ giảm dần. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Do đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” và trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh, khẳng định: Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng

Ngay sau sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), ngày 17-3-1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập. Đảng bộ Hà Nội vinh dự trở thành đảng bộ được thành lập sớm nhất cả nước.

Sau hơn 90 năm xây dựng và phát triển, với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường; với tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí phấn đấu không ngại gian khó, không sợ hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên và ý thức đoàn kết, gắn bó với nhân dân, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân Thủ đô đạt được nhiều thành tựu to lớn; trong đó nổi bật là: (1) Lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân ở Thủ đô, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám vĩ đại; (2) lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; (3) lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô trong bối cảnh vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, chống đế quốc Mỹ xâm lược; (4) lãnh đạo nhân dân Thủ đô, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Ảnh: Duy Linh

Trong suốt hơn 35 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực, bền bỉ cùng với nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiến hành công cuộc đổi mới thắng lợi, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hà Nội ngày càng xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Với những thành tự to lớn đã đạt được, Hà Nội vinh dự được Ðảng và Nhà nước tặng danh hiệu "Thủ đô Anh hùng"; ba lần đón nhận Huân chương Sao Vàng. Uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và thế giới ngày càng nâng cao, được tổ chức UNESCO vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo".

Thực tiễn đã chứng minh, Đảng bộ thành phố Hà Nội - một Đảng bộ tiêu biểu trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức - chính là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng ở Thủ đô. Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh bài học quan trọng về thống nhất tư tưởng để hành động, Ðảng bộ thành phố Hà Nội luôn thấm nhuần bài học xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được chỉ ra trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tiếp tục được nhấn mạnh, khẳng định trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định việc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Trong những nhiệm kỳ gần đây, Ðảng bộ thành phố đã thực hiện nhiều bước đột phá, tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị; nhiều chủ trương mới, sáng tạo được ban hành, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn.

Việc tập trung kiểm điểm tự phê bình và phê bình để làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, từ đó đề ra giải pháp khắc phục đã trở thành nề nếp trong Ðảng bộ thành phố Hà Nội. Hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thường xuyên gợi ý kiểm điểm sâu đối với một số tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng; tập trung chủ yếu vào những hạn chế, khuyết điểm chính, những vấn đề nổi cộm thuộc phạm vi lãnh đạo. Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy, các cấp ủy đã kiểm tra đối với 9.810 lượt tổ chức Đảng, 4.309 đảng viên; giám sát 4.786 lượt tổ chức Đảng, 3.900 đảng viên. Đã thi hành kỷ luật 4.143 đảng viên... Qua kiểm tra giúp các địa phương, đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực xảy ra.  

Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy Đảng thường xuyên được đổi mới. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố luôn coi trọng đổi mới tư duy, phong cách, phương pháp lãnh đạo; vừa lãnh đạo toàn diện, vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn trúng và đúng những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động dự báo, đánh giá, phân tích những vấn đề mới, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, không để bị động; xử lý kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những phức tạp phát sinh. Đặc biệt, ngay khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Thành ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị 31-CT/TU về thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô, vừa duy trì và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Ðảng của Đảng bộ Hà Nội vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm cần tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới, đó là: Vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng còn thấp; chất lượng sinh hoạt, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số tổ chức Đảng và đảng viên còn hạn chế; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự...

Đảng bộ thành phố Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước, mọi thành công cũng như hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn Đảng nói chung và đối với Đảng bộ thành phố Hà Nội nói riêng. Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra cho Đảng bộ Hà Nội nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới. Và tới đây, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai tinh thần nội dung bài viết của Tổng Bí thư sâu rộng trong từng cấp ủy Đảng, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Nhận diện rõ hạn chế, khuyết điểm và khó khăn, thách thức để khắc phục và vươn lên

Sự nghiệp đổi mới phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bởi chủ nghĩa xã hội không chỉ mang lại độc lập cho dân tộc, mà còn là con đường duy nhất đúng đắn để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Toàn bộ bài viết của Tổng Bí thư không chỉ thể hiện tầm nhìn xa, tư duy sắc sảo mà còn cho thấy bản lĩnh chính trị của người đứng đầu Đảng trước những đổi thay của tình hình trong nước và quốc tế; phản ánh được cách nhìn, khát vọng, mục tiêu không thay đổi của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Bài viết có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, hành động của mỗi tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên và nhân dân.

Trong những năm sắp tới, Thủ đô Hà Nội cũng như đất nước ta có nhiều cơ hội để phát triển nhanh về mọi mặt; nhưng đồng thời cũng phải đối diện không ít khó khăn, thách thức. Để đáp ứng được niềm tin của nhân dân, Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự khắc phục sai lầm, hạn chế, khuyết điểm; nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình; dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là đảng chân chính, cách mạng, “là đạo đức, là văn minh”. Có như vậy, Đảng mới phát huy được tinh thần đoàn kết thống nhất, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, sớm đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Trên hành trình đó, Ðảng bộ thành phố Hà Nội cần nhận diện rõ những hạn chế, khuyết điểm và những khó khăn, thách thức, từ đó phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa, vị thế, tầm vóc mới của Thủ đô cũng như khát vọng, ý chí vươn lên, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Ðảng, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao, cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu Ðại hội Ðảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đề ra, đặc biệt là Chương trình số 01-CTr/TU về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước; đồng thời qua đó góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ kính yêu.

Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Thành ủy Hà Nội
ĐINH TIẾN DŨNG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1004704/can-tham-nhuan-sau-sac-bai-hoc-xay-dung-chinh-don-dang-trong-qua-trinh-phat-trien-thu-do?fbclid=IwAR3JbqhuoTM3V6GCU-gr31z15TOydfiwIlxK8_hGQ-7ApKMn1x8FnkUtSKc