Cần thực hiện đúng quy định về sử dụng một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe
Kinhte&Xahoi
Mặc dù Nghị định của Chính phủ quy định được sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí nhưng Bộ GTVT lại có thông tư quy định ngược lại.
Ngày 3/9/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Nghị định số 100). Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100 quy định bổ sung Điều 25a, Điều 25b, Điều 25c và Điều 25d vào sau Điều 25. Trong đó, Điều 25c quy định được sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Quy định về hè phố, lòng đường tại Điều 25c là quy định chung, có nghĩa là kể cả hè phố, lòng đường bên trên khoảng không có cầu hoặc là phía dưới hè phố, lòng đường có hầm thì vẫn được sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe.
Hơn cả, Luật Giao thông đường bộ là văn bản quy phạm pháp luật cao hơn nghị định của Chính phủ. Mà trong Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó không có quy định cấm: “gầm cầu có lòng đường, có vỉa hè đi qua đường phố sử dụng tạm thời một phần để trông, giữ xe có thu phí”. Do đó, Nghị định số 100, trong đó, Điều 25c quy định được sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí không được gây mất trật tự, an toàn giao thông… hoàn toàn phù hợp quy định pháp luật.
Nhiều tỉnh và thành phố trên địa bàn cả nước đã thực hiện đúng quy định khoản 4 Điều1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP, phê duyệt nhiều điểm trông, giữ xe có thu phí sử dụng hạ tầng giao thông đường bộ tạm thời một phần hè phố, lòng đường, kể cả vỉa hè, lòng đường nằm dưới gầm cầu.
Điều 25c Nghị định số 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, quy định được sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông
Ngày 23/9/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP mà không hướng dẫn một số điều của Nghị định số 100 bởi vì, tại thời điểm này Nghị định số 100 đang có hiệu lực pháp luật thi hành, bổ sung nhiều điều, khoản mới mà Nghị định số 11/2010/NĐ-CP không có.
Cụ thể, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP trong đó, điều 25c quy định được phép sử dụng tạm thời hạ tầng giao thông đường bộ một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe…
Ngày 09/10/2017, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 35/2017/ TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015. Tuy nhiên Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT lại không hướng dẫn những điểm mới của Nghị định số 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ, thậm chí còn có quy định ngược với điểm mới đang có hiệu lực pháp luật của Nghị định số 100/2013/NĐ-CP.
Cụ thể là, khoản 3 điều 1 Thông tư số 35/2017/ TT-BGTVT có quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm bãi đỗ xe …” trong khi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP bổ sung Điều 25c: “ được sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe…”.
Theo như nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin, thực trạng trên địa bàn Thủ đô, mật độ phát triển nhà ở quá nhanh, do đó nhu cầu trông giữ phương tiện hiện là rất lớn. Trong khi đó bến, bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch vẫn trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh. Các điểm trông giữ phương tiện còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu trông giữ phương tiện phục vụ các hoạt động văn hóa, đời sống xã hội của nhân dân, các cơ quan, đơn vị.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực giao thông tĩnh. “Trong khi lượng phương tiện gia tăng chóng mặt, diện tích đất cũng như các công trình hạ tầng dành cho giao thông tĩnh lại chậm phát triển. Thực tế đó đòi hỏi Hà Nội phải có những biện pháp tức thời, tận dụng mọi khả năng, mọi vị trí có thể, có điều kiện để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân”.
Hiện trên địa bàn Thành phố có 4 vị trí gầm cầu đang tổ chức trông giữ phương tiện gồm Vĩnh Tuy, Chương Dương, Ngã Tư Vọng và gầm cầu vượt Mai Dịch. Các vị trí này đã được TP chấp thuận trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư 35.
Từ căn cứ quy định pháp luật như đã nêu, nhiều tỉnh và thành phố trên địa bàn cả nước đang thực hiện đúng quy định khoản 4 Điều1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP nhưng đang gặp trở ngại vì văn bản quy phạm pháp luật thấp hơn điều chỉnh. Cụ thể như, Thông tư số 35/2017/ TT-BGTVT có nội dung tại khoản 3 điều 1 cấm vỉa hè, lòng đường nằm ở gầm cầu làm bãi đỗ xe (cũng như là trông, giữ xe).
Từ phân tích căn cứ pháp luật như đã nêu trên cho thấy, nội dung này trái quy định Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, trái quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP.
Theo Công lý/HATAP