Loại bánh này được sản xuất bởi những cơ sở nhỏ, lẻ hoặc do cá nhân tự làm rồi đăng bán trên mạng xã hội mà không chịu sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. Ảnh: Mai Trần
Có đảm bảo chất lượng?
Ngay từ tháng Bảy âm lịch, thị trường bánh Trung thu đã rất nhộn nhịp. Năm nay, trong khi các chợ truyền thống, gian hàng di động chuyên bày bán bánh Trung thu vẫn khá đìu hiu thì "chợ mạng" thu hút được lượng khách đặt mua khá lớn.
Mặc dù năm nào, các thương hiệu uy tín lâu năm về các loại bánh truyền thống cũng tung ra thị trường rất nhiều loại bánh Trung thu nhưng mức giá cao vẫn là điều khiến nhiều người tiêu dùng e dè. Trong khi đó, các loại bánh "siêu rẻ”, không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng xã hội Facebook, chợ "ảo" rất thu hút với nhiều lời giới thiệu hấp dẫn như bánh "handmade", không có chất bảo quản, hương vị truyền thống, an toàn, vị ngọt thanh không ngọt khé, ship miễn phí tận nơi.
Bánh Trung thu "handmade" được bán trên chợ mạng có nhiều mẫu mã, nhãn hiệu, chủng loại, mức giá. Chỉ cần một cú click chuột, người tiêu dùng dễ dàng liên hệ với người bán các sản phẩm bánh nướng đa dạng các loại nhân như đậu xanh, đậu đỏ, trà xanh, thập cẩm, trứng muối, phô mai, mật ong, cà phê, hạt dẻ, dâu tây...
Năm nay, thị trường xuất hiện nhiều loại bánh với cách tạo hình ngộ nghĩnh hình các con vật, xe ô tô, ngôi nhà..., có cả hình các nhân vật hoạt hình mà trẻ nhỏ yêu thích như Unicorn, Tsum Tsum, gấu Pooh, Pikachu, gấu thỏ Cony-Brown, Minion... Kích cỡ của những chiếc bánh này khá nhỏ. Người bán thường bán theo sét 3, 4, 6, 9 chiếc/hộp chứ không bán lẻ. Nhiều người tiêu dùng cảm thấy thích thú trước sự đa dạng về mùi vị và cách tạo hình bánh Trung thu, rất phù hợp để bày biện mâm cỗ trông trăng. Giá của mẫu bánh loại nhỏ khoảng 7.000 - 8.000 đồng/chiếc, loại to hơn thì từ 15.000 - 50.0000 đồng/chiếc.
Chị Nguyễn Thu Phượng (quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Bánh Trung thu năm nay có hình thù đa dạng, kích cỡ bánh nhỏ, nhiều loại giá rẻ nên nhiều phụ huynh của trường mầm non, trường tiểu học đặt hàng với số lượng lớn để bày cỗ cho các em học sinh. Trẻ nhỏ thích những loại bánh "mini" này hơn hẳn bánh Trung thu truyền thống thông thường. Tuy nhiên, khi đặt mua thử những loại bánh này trên mạng và nhận hàng, tôi thấy bánh sử dụng quá nhiều phẩm màu để tạo hình, bao bì đóng gói qua loa, không đề rõ thành phần, nguyên liệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng không được in rõ ràng. Tôi rất lo ngại, không rõ người làm bánh có dùng phụ gia hay phẩm màu không được phép sử dụng hay không? Chắc bánh này chỉ dám bày cỗ chứ không dám cho trẻ nhỏ ăn".
Cần lựa chọn bánh từ các cơ sở uy tín
Cùng với thị trường bánh "handmade", thời điểm này, có rất nhiều người dân mua nguyên liệu làm bánh Trung thu. Tại các chợ, nguyên liệu làm bánh Trung thu khá phong phú, từ nguyên liệu làm vỏ bánh dẻo, bánh nướng tới nguyên liệu làm nhân bánh như mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, hạt sen, các loại nước đường, nước hoa bưởi, hương trà...
Tuy nhiên, điểm chung của các loại nguyên liệu này đều là những mặt hàng "nhiều không": Không nhãn mác, không ngày sản xuất và không hạn sử dụng... Một số loại được đóng sơ sài trong túi nilon được bán theo cân, hoặc các bao bì chỉ có chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Theo quy định của Bộ Y tế, bánh Trung thu không thể bảo quản ở điều kiện thông thường trong thời gian dài. Việc sản xuất và kinh doanh bánh Trung thu nói riêng và các loại hàng hóa, thực phẩm khác nói chung là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Kể cả nhà sản xuất hay cơ sở kinh doanh, buôn bán đều phải tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vì vậy, với các loại bánh được bảo quản sơ sài, người tiêu dùng có quyền đặt nghi vấn về chất lượng sản phẩm cũng như khâu kiểm soát của cơ quan chức năng. Thực tế, các cơ quan chức năng cũng đã thu giữ nhiều lô bánh Trung thu "handmade" không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Càng là các loại bánh Trung thu được quảng cáo là "handmade", "nhà làm" và được bày bán tràn lan trên mạng thì càng khó quản lý về chất lượng.
Thực hiện Kế hoạch 218/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, từ ngày 28-8 đến ngày 5-10, cơ quan chức năng triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên phạm vi 30 quận, huyện, thị xã. Kế hoạch nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm...
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: "Chúng tôi cũng đã đi sâu vào kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu được các cơ sở đưa vào sản xuất bánh Trung thu. Các loại nguyên liệu này phải có nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng.
Bên cạnh việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất bánh Trung thu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng tiến hành lấy mẫu bánh để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm".
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo: "Người dân nên lựa chọn các quầy bánh Trung thu có thương hiệu, lựa chọn những cơ sở sản xuất có uy tín. Những quầy bán bánh Trung thu, điểm bán bánh cần có đầy đủ các loại giấy tờ do cơ quan chức năng địa phương cấp phép đủ điều kiện kinh doanh. Người dân không nên mua các loại bánh Trung thu "siêu rẻ”, bánh giảm giá trên mạng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về cách lựa chọn và sử dụng bánh trong dịp Tết Trung thu năm 2023".
Cách chọn bánh Trung thu
Để có được chiếc bánh Trung thu đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm tại các điểm bán hàng thuộc hệ thống quản lý trực tiếp của các thương hiệu đáng tin cậy, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng với cơ quan y tế, có chứng nhận về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, khi lựa chọn mua bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chú ý rằng sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, trên bao bì hộp bánh có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Ngoài ra, người dân nên lựa chọn các nhà sản xuất có uy tín, thương hiệu lâu năm đáp ứng được các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, mọi người có thể sử dụng cảm quan để đánh giá và chọn sản phẩm an toàn. Hiện nay, trên thị trường đang bán chủ yếu hai loại bánh Trung thu, đó là bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn.
Chúng ta nên chọn mua bánh nướng có độ bóng vừa phải, khi ấn vào thấy có độ mềm và đàn hồi nhẹ. Còn với bánh dẻo, nên chọn bánh có phủ bột nhẹ trên bề mặt; khi ấn vào bánh cảm thấy vỏ mềm nhưng không dính, không nhão.
Cùng với việc lựa chọn sản phẩm bảo đảm an toàn thì cách bảo quản và sử dụng bánh Trung thu cũng rất quan trọng. Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng cần bảo quản và sử dụng bánh Trung thu theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì sản phẩm. Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy nhằm tránh bụi bẩn, mưa, nắng, côn trùng xâm nhập. Người tiêu dùng chỉ nên ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát hay biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Thanh Phong
|
Bảo Ngọc - Hà Nội mới