Cẩn trọng với hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”

14/06/2023 10:24

Kinhte&Xahoi Mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” đã xuất hiện tại Việt Nam vài năm nay và ngày càng sôi động. Nhưng thực tế cũng cho thấy số vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng dịch vụ loại này có xu hướng tăng.

Người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”. (Ảnh minh họa)

Mô hình du lịch mới

Đến nay, pháp luật về du lịch tại Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về “sở hữu kỳ nghỉ” và loại hợp đồng dịch vụ này. Mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” tuy đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới… nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta. Theo cách hiểu phổ biến nhất, “sở hữu kỳ nghỉ” là một mô hình kinh doanh của các công ty du lịch nghỉ dưỡng. Sản phẩm của dịch vụ này là quyền được sở hữu không gian nghỉ dưỡng vào mỗi kỳ nghỉ cố định hàng năm tại các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng của công ty đó.

Theo một thống kê của Hiệp hội Sở hữu kỳ nghỉ Thái Lan vào trước dịch, ngành du lịch Thái Lan có khoảng hơn 50 công ty hoạt động trong lĩnh vực “sở hữu kỳ nghỉ” với tổng số 55 khu nghỉ dưỡng cùng 1.600 căn hộ nghỉ dưỡng, mỗi năm cung cấp 728.000 đêm ngủ, phục vụ trên 41.000 gia đình. Trên thế giới, mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” có thể đem lại cho các gia đình những trải nghiệm du lịch chất lượng, dễ dàng và tiết kiệm hơn khi họ có thể chủ động đặt chỗ từ trước và trong một khoàng thời gian dài (thường kéo dài ít nhất 5 năm trở lên). Một ưu điểm với khách của loại hình này là khả năng trao đổi kỳ nghỉ giữa những người sở hữu với nhau.

Mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” có thể được xem như một giải pháp “lợi cả đôi bên” cho cả phía du khách và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam những năm qua, mô hình này lại có dấu hiệu “biến tướng” sau liên tiếp những vụ phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”, mà nguyên đơn chủ yếu là những người sở hữu.

Cẩn trọng trước khi ký kết

Trước thực trạng trên, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Văn bản số 906/TCDL-KS gửi Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố về việc tuyên truyền việc tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”.

Văn bản cho biết, thời gian qua, Tổng cục Du lịch nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến việc mua dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ”, bao gồm nhiều nội dung phản ánh khác nhau.

Đơn cử, người mua (người sở hữu kỳ nghỉ) vừa phải thanh toán cho bên cung cấp kỳ nghỉ khoản tiền theo giá trị hợp đồng, vừa phải thanh toán các khoản phí thường niên hay phí duy trì cho từng năm được điều chỉnh tăng giảm bất thường gây thiệt hại cho các chủ sở hữu; gây nhầm lẫn cho người mua thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, dịch vụ và một số nội dung khác.

Trước đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương đã khuyến cáo người dân phải tham khảo, nghiên cứu trước khi quyết định ký hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”.

Người mua cần hiểu rõ hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” là hợp đồng dịch vụ chứ không phải hợp đồng mua bán bất động sản, do đó quyền “sở hữu kỳ nghỉ” của bên mua không đồng nghĩa với quyền sở hữu bất động sản. Đồng thời, người mua cũng cần nhận thức rõ những rủi ro để cân nhắc trước khi ký hợp đồng, bởi hầu như tất cả hợp đồng mua bán dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” hiện nay đều là hợp đồng dài hạn và khách hàng phải trả số tiền lớn ngay từ đầu.

Về rủi ro khách quan, việc thực hiện hợp đồng trong tương lai có thể bị “đứt gãy” nếu bên phân phối sản phẩm gặp trục trặc từ phía đối tác, thậm chí là rút lui, biến mất. Về rủi ro trực quan bên bán có thể không thực hiện đúng hợp đồng cam kết, gây thiệt hại cho người mua.

Ngoài ra, một vấn đề phổ biến khác là tình trạng quảng cáo sai lệch về “sở hữu kỳ nghỉ” gây hiểu nhầm về sản phẩm.

Đơn cử, theo một công ty du lịch giới thiệu, khi “sở hữu kỳ nghỉ”, khách hàng sẽ “được ở trong các căn hộ, biệt thự sang trọng với những khu vui chơi, giải trí, bãi tắm đẹp… tại nhiều địa phương; nếu không sử dụng, khách hàng có thể cho thuê, bán, tặng, thừa kế… kỳ nghỉ mình đang sở hữu”.

Nhưng thực tế khác xa quảng cáo khiến nhiều người mua kỳ nghỉ bức xúc, muốn hoàn tiền. Trước hết, trong hợp đồng số tiền người mua đã bỏ ra chỉ là tiền thuê phòng, không bao gồm chi phí đi lại, ăn uống trong kỳ nghỉ, khiến chi phí trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Bên cạnh đó, hàng năm, người “sở hữu kỳ nghỉ” còn phải đóng phí dịch vụ (bảo trì, dọn dẹp vệ sinh…). Còn việc tặng, cho, mua bán, thừa kế quyền “sở hữu kỳ nghì” cũng chỉ có thể được thực hiện sau khi người “sở hữu” đã đóng một khoản phí không nhỏ cho công ty du lịch, tương ứng với mỗi giao dịch thành công.

Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân, Tổng cục Du lịch cũng đề nghị Sở quản lý du lịch các địa phương: tuyên truyền tới người dân nâng cao nhận thức về mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” theo nội dung khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Người dân cần “tìm hiểu rõ bản chất, lợi ích của sản phẩm, dịch vụ và các rủi ro tiềm ẩn” của hợp đồng trước khi ký kết.

Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung. Ví dụ: phải xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng; các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng; các điều khoản bất lợi trong hợp đồng như hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua, không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng, chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên;…

Đồng thời, Tổng cục Du lịch cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, đơn vị khác có cung cấp dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” phải quảng bá, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác; thiết lập hợp đồng mua bán kỳ nghỉ phải rõ ràng, không có các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng như hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua... Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các đơn vị có cung cấp dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” nhằm bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp tới người tiêu dùng.

 Đỗ Trang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/can-trong-voi-hop-dong-so-huu-ky-nghi-d194892.html