Thủ đoạn tinh vi
Thời gian vừa qua, cơ quan công an nhận được nhiều đơn tố giác tội phạm có liên quan đến việc lợi dụng hoạt động bán hàng online để chiếm đoạt tài sản, nổi lên là hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online.
Theo đó, một số cá nhân câu kết thành lập các công ty, doanh nghiệp và đăng thông tin kinh doanh các sản phẩm do nước ngoài sản xuất như: Mỹ phẩm, văn phòng phẩm, thực phẩm chức năng… cần tuyển cộng tác viên để bán các sản phẩm trên với mức chiết khấu cao.
Đồng thời khi cộng tác viên đăng thông tin bán hàng lên mạng internet, công ty tuyển dụng sẽ trả cho cộng tác viên số tiền nhất định theo ngày, nếu có khách hàng đặt mua thì sẽ được cộng thêm phí. Thông thường phí duy trì bài đăng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày, nếu có khách mua thì người đăng bài sẽ được hưởng từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng/khách hàng.
Nghi phạm Nhật (ảnh trái) cùng Hiếu được xác định cầm đầu đường dây tuyển cộng tác viên bán hàng online (Ảnh: Công an cung cấp)
Ngay khi cộng tác viên đăng ký là thành viên các đối tượng sẽ sử dụng tài khoản ảo, sim rác để đặt hàng mua các sản phẩm trên với giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng và đề nghị gửi về các địa chỉ không có thật tại các địa phương cách xa nơi cư trú của cộng tác viên.
Khi cộng tác viên thấy có khách mua đặt hàng đã gửi lệnh yêu cầu tới công ty cung cấp để giao hàng cho khách. Tuy nhiên, công ty cung cấp từ chối giao hàng mà yêu cầu cộng tác viên phải mua số hàng hóa đó và trực tiếp chuyển cho người đặt hàng.
Để tạo tâm lý an tâm cho cộng tác viên, công ty cung cấp đồng ý khấu trừ số tiền mà khách hàng được hưởng thông qua việc đăng tin trên mạng internet vào số tiền hàng đã mua. Sau khi cộng tác viên nhận được hàng đã trực tiếp gửi số hàng đó vào địa chỉ của khách hàng đặt mua. Tuy nhiên, những địa chỉ trên đương nhiên là không có thật hoặc không có ai nhận hàng, số điện thoại của khách đã đặt hàng cũng không thể liên lạc được.
Cộng tác viên liên hệ lại với công ty cung cấp để trả lại hàng thì không được chấp nhận, bị chặn nick, chặn số điện thoại, địa chỉ của công ty cũng không có thật. Khi mở hàng ra xem các hàng hóa đó đều là những loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm định, xác nhận nên không thể bán trên thị trường.
Mới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay vừa khởi tố thêm 13 bị can về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Những người này liên quan đến đường dây lừa đảo liên tỉnh tuyển cộng tác viên bán hàng online bị triệt phá trước đó.
Hai nghi phạm cầm đầu đường dây này là Lê Huy Nhật (28 tuổi, ngụ tại phường Lam Sơn, Thanh Hóa) và Nguyễn Hữu Hiếu (28 tuổi, ngụ tại thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, Thái Bình).
Đường dây này hoạt động theo phương thức lập các trang fanpage bán hàng mỹ phẩm như son môi, mặt nạ dưỡng da, nước hoa... rồi thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên Facebook để tuyển cộng tác viên bán hàng.
Nạn nhân bị nhắm đến là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Hiện chưa có thống kê cụ thể về các nhóm đối tượng lừa đảo cộng tác viên bán hàng trực tuyến và số vụ việc mà nạn nhân tố cáo với cơ quan chức năng rất ít do e ngại vì số tiền bị chiếm đoạt không lớn với người bị hại. Lợi dụng thực tế này nên nhiều đối tượng vẫn tiếp tục lừa đảo những người nhẹ dạ trên môi trường mạng internet.
Người dân cần nâng cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, hoạt động tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến đang sao chép cách thức hoạt động của mô hình đa cấp để lừa đảo người khác. Các giao dịch đều không được cam kết hay bảo đảm bằng quy định pháp luật vì hoạt động hoàn toàn trên không gian ảo nên mang tính rủi ro cao.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm thông qua việc lợi dụng kinh doanh online, người dân cần chú ý nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi đặt mua hàng hóa, làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Đặc biệt, người dân cần hạn chế giao hàng với số lượng lớn cho các khách lần đầu đặt hàng. Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần thông báo kịp thời đến cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thanh Hà - TTTĐ