Cảnh báo về các dịch bệnh từ động vật

12/06/2022 15:11

Kinhte&Xahoi Với sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ trên khắp thế giới và đại dịch COVID-19 hoành hành trong suốt gần 3 năm qua, ngày càng nhiều ý kiến lo ngại rằng các đợt bùng phát dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người sẽ xảy ra nhiều hơn và có thể gây ra một đại dịch khác.

Các chuyên gia cho biết, mặc dù những căn bệnh lây truyền từ động vật sang người đã xuất hiện trong nhiều thiên niên kỷ nhưng chúng đã trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ gần đây do nạn phá rừng, chăn nuôi gia súc hàng loạt, biến đổi khí hậu và những biến động do con người gây ra đối với thế giới động vật.

Một số dịch bệnh lây nhiễm từ động vật sang người có thể kể đến như HIV, Ebola, Zika, SARS, MERS, cúm gia cầm và bệnh dịch hạch.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết họ vẫn đang điều tra nguồn gốc của dịch COVID-19, nhưng đến hiện nay “bằng chứng mạnh nhất vẫn là về sự lây truyền từ động vật sang người”.

Các chuyên gia cảnh báo về các dịch bệnh lây tryền từ động vật (Ảnh: AP)

Hiện nay, với hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ được ghi nhận trên toàn cầu trong tháng qua, WHO cũng cảnh báo nguy cơ “thực tế” là căn bệnh này có thể bùng phát ở hàng chục quốc gia.

Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, cho biết vào tuần trước rằng “không chỉ đến bệnh đậu mùa ở khỉ”, mối tương tác giữa thế giới động vật và người đã trở nên ngày càng bất ổn.

“Tần suất xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người ngày càng tăng trong khi khả năng bệnh lây từ người sang người cũng tăng”, ông Ryan nói.

Mặc dù xuất hiện lần đầu từ năm 1970 tại Cộng hòa Congo song đến gần đây bệnh đậu mùa khỉ mới lây lan ra ngoài khu vực Trung và Tây Phi để sang Châu Âu và Bắc Mỹ.

Olivier Restif, nhà dịch tễ học tại Đại học Cambridge, cho biết “đợt bùng phát bệnh đậu mùa trên khỉ mới nhất không liên quan gì đến khỉ”. Ông cho biết các đợt bùng phát lần này là do sự tiếp xúc giữa người với người.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, khoảng 60% các bệnh lây nhiễm ở người được biết đến là do lây từ động vật sang người cũng như 75% các bệnh mới xuất hiện trong thời gian gần đây là từ nguồn lây này..

Chặt phá rừng bừa bãi là một trong những nguyên nhân khiến các loài động vật mất đi môi trường sống tự nhiên của chúng (Ảnh: DW)

Ông Restif cho biết số lượng mầm bệnh và các đợt bùng phát dịch bệnh lây nhiễm từ động vật đã tăng lên trong vài thập kỷ qua do “sự gia tăng dân số, tăng số lượng chăn nuôi đàn gia súc và sự xâm phạm môi trường sống của động vật hoang dã”.

“Các loài động vật hoang dã đã thay đổi đáng kể hành vi của chúng để đáp ứng các hoạt động của con người như di cư khỏi môi trường sống dần cạn kiệt của chúng. Khi động vật bị suy yếu hệ miễn dịch tồn tại nhiều hơn xung quanh môi trường sống của con người nhiều hơn hay các động vật nuôi cũng là trung gian truyền nhiễm thì những dịch bệnh lây truyền từ động vật cũng trở nên phổ biến hơn”, chuyên gia Restif chia sẻ.

Benjamin Roche, chuyên gia dịch bệnh lây truyền từ động vật tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp thì cho rằng tình trạng phá rừng gây tác động lớn.

Phá rừng làm giảm đa dạng sinh học, động vật giảm khả năng tự điều tiết trước các loại virus và khiến virus trở nên lây lan dễ dàng hơn.

Viễn cảnh thậm chí có thể sẽ còn diễn biến tồi tệ hơn khi một nghiên cứu lớn mới công bố hồi đầu năm nay cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ xuất hiện một đại dịch khác.

Khi các loài động vật chạy trốn khỏi môi trường sống tự nhiên đang ấm lên, chúng sẽ gặp các loài khác lần đầu tiên, làm tăng nguy cơ lây lan những loại virus gây bệnh được cho là đang âm thầm lưu hành trong thế giới hoang dã, chủ yếu là ở các cánh rừng nhiệt đới. Điều này khiến mạng lưới lây truyền mầm bệnh thay đổi đáng kể.

Greg Albery, chuyên gia sinh học từ Đại học Georgetown, đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng thế giới cần tăng cường công tác kiểm tra và phát hiện sớm các mầm bệnh có thể lây truyền trong động vật và nếu tình trạng này xảy ra ở những môi trường gần với môi sinh của con người thì cần đặc biệt lưu ý.

Bên cạnh đó giới chuyên gia cũng cảnh báo loài người cần chuẩn bị cho kịch bản xuất hiện những bệnh truyền nhiễm mới và có khả năng gây nguy hiểm.

Ngọc Ly - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-bao-ve-cac-dich-benh-tu-dong-vat-198591.html