Cảnh giác những chiêu trò "môi giới việc làm" lừa đảo tân sinh viên

24/09/2022 17:38

Kinhte&Xahoi Thời gian gần đây, các chiêu lừa đảo môi giới việc làm hướng tới tân sinh viên xuất hiện ngày càng nhiều. Những "chiếc bánh ngọt" về việc làm online nhẹ nhàng nhưng lương cao được mời mọc nhan nhản trên mạng khiến nhiều em bị "sập bẫy".

Đủ chiêu trò lừa đảo tinh vi

 Mong muốn của nhiều bạn sinh viên khi lên Hà Nội học là muốn tìm được một công việc làm thêm part - time phù hợp. Thu nhập kiếm được có thể phụ giúp bố mẹ lo tiền ăn học. Tuy nhiên, việc làm thì chắc chắn là không dễ kiếm đối với những bạn trẻ còn chưa có kinh nghiệm trong tay.

Nắm được tâm lý này nên các trung tâm môi giới việc làm mọc lên nhan nhản như nấm ở các khu vực xung quanh các trường đại học, cao đẳng. Không khó để bắt gặp những tờ rơi tuyển dụng việc làm thêm cho sinh viên được dán tràn lan và vứt bừa bãi tại các bến xe buýt hay cổng trường đại học.

Cẩn trọng với những tin tuyển dụng "việc nhẹ lương cao", làm tại nhà xuất hiện trên mạng

Thông tin trong các tờ tuyển dụng nhìn chung đều hấp dẫn sinh viên với “lương cao, đi làm ngay, không đòi hỏi kinh nghiệm, không mất tiền đặt cọc, được đào tạo tại chỗ…”. Các cơ sở tuyển dụng thì phong phú đủ loại từ quán photocopy, phát tờ rơi, trung tâm gia sư cho tới nhà hàng, quán ăn, quán karaoke …

Mặc dù những chiêu lừa đảo đã được cảnh báo từ nhiều năm nay song mỗi dịp năm học mới đến, không ít các sinh viên vẫn bị "sập bẫy". Các tân sinh viên mới chân ướt chân ráo lên thành phố nhập học chính là đối tượng mà kẻ lừa đảo nhắm vào nhiều nhất bởi sự ngây thơ, ít va chạm vừa bước chân ra khỏi vòng tay gia đình.

Thủ tục lừa đảo đó là mỗi sinh viên muốn đăng ký nhận việc đều phải đóng từ 200.000 - 500.000 đồng tiền thủ tục hoặc “thế chân”. Cùng với đó, sau khi đóng tiền luôn xảy ra tình trạng được gọi đi làm 1,2 ngày thì bị cho nghỉ vì lý do hoặc tệ hơn nữa là bị chèn ép, bị lợi dụng hoặc sàm sỡ ngay nơi làm việc để phải tự rút lui.

Ngoài ra, nhiều việc làm có thật nhưng là "đa cấp núp bóng", các bạn sinh viên sẽ bị dụ dỗ tham gia các khóa đào tạo làm giàu, được nhồi nhét vào đầu tư tưởng làm thủ lĩnh và sẽ trở thành triệu phú sau vài tháng. Các đối tượng lừa đảo sau đó ép các em nhập hàng về bán, càng "ôm" nhiều hàng càng nhanh chóng lên vị trí "sếp" nhưng đây đều là những mặt hàng kém chất lượng bị đẩy giá cao rất khó bán.

Cảnh giác trước các việc làm trên mạng "ảo"

 Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng thường xuyên truy cập vào các nhóm đăng tuyển dụng việc làm trên mạng xã hội Facebook, Zalo.

Trên các kênh việc làm trực tuyến, diễn đàn rao vặt, nhóm tuyển dụng... các hoạt động tuyển dụng tạo hiệu ứng lan truyền nhanh chóng, rộng rãi. Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng lừa đảo giăng bẫy "lùa gà" nhắm đến.

Những chiêu trò phổ biến là các "việc nhẹ lương cao" như dán tem son, đính tranh, cắt tem mác quần áo, đọc báo sửa lỗi chính tả, đánh văn bản, đánh mã, đăng bài vào các hội nhóm, viết review, xem video... Chúng yêu cầu người nhận việc phải đặt cọc tiền trước rồi "bùng kèo" chiếm đoạt tài sản.

Thông tin trên mạng "ảo" đa phần không được kiểm định, đối tượng lừa đảo núp bóng nhà tuyển dụng với những “ma trận” tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt thông tin, thậm chí tấn công đe dọa, tống tiền...

Do đó, các bạn sinh viên nên lưu ý khi muốn tìm công việc part - time phù hợp nên truy cập các trang web tìm việc từ các địa chỉ uy tín như Trung tâm Dịch vụ việc làm các quận, huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Đây là các tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động hợp pháp theo quy định pháp luật do cơ quan quản lý Nhà nước thành lập.

Các bạn sinh việc nên tìm việc từ các các tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động hợp pháp theo quy định pháp luật

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội duy trì hình thức kết nối cung - cầu về lao động, việc làm trực tiếp thông qua các phiên giao dịch diễn ra từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần tại 15 sàn giao dịch việc làm cố định; Đồng thời kết nối việc làm trực tuyến qua trang tin vieclamhanoi.net và trên Facebook Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, người sử dụng lao động tiến hành tuyển dụng trực tuyến; Còn người lao động tìm việc làm qua các website, mạng xã hội, như Facebook, Zalo… là xu hướng phổ biến hiện nay. Trên các trang tuyển dụng trực tuyến của trung tâm thường xuyên có hơn 4.000 đơn vị đăng ký tuyển dụng, gần 3.000 hồ sơ ứng tuyển với nhiều vị trí việc làm.

Tuy nhiên ông Vũ Quang Thành cũng khuyên cáo người lao động, khi sử dụng mạng xã hội tìm việc làm trực tuyến không truy cập vào các liên kết lạ, không cung cấp những thông tin cá nhân như: Căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã xác thực OTP trong giao dịch ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào. Đặc biệt, người lao đông cần kiểm tra kỹ thông tin các đơn vị tuyển dụng, nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm uy tín để được kết nối công việc phù hợp, tìm kiếm nhà tuyển dụng tin cậy.

Không chỉ là nơi tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động có uy tín, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn có trách nhiệm thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, giải quyết chế độ về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Để thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm luôn cố gắng hết mình để hỗ trợ người lao động một cách tốt nhất, giúp họ sớm quay lại thị trường lao động và có công việc bền vững hơn.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-giac-nhung-chieu-tro-moi-gioi-viec-lam-lua-dao-tan-sinh-vien-206463.html