Nhiều nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo mới
Mới đây chị V.T.M, ở quận Long Biên (Hà Nội), nhận được tin nhắn qua Facebook của một người bạn thân đang sinh sống ở nước ngoài nhờ chuyển 75 triệu đồng vào tài khoản. Nghĩ bạn cần tiền, chị M đã không ngại ngần chuyển tiền theo hướng dẫn.
Chị M cũng cho biết, khi nhận được tin nhắn của bạn hỏi vay tiền, chị còn cẩn thận gọi video lại để kiểm tra thì có thấy hình ảnh của người bạn mình ở video.
Đến tối, trên trang Facebook cá nhân của người bạn đăng dòng thông báo việc bị kẻ gian hack nick Facebook để hỏi vay tiền bạn bè, chị M có gọi điện lại thì người bạn này xác nhận đã bị kẻ gian chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, dùng công nghệ AI cắt ghép hình ảnh, giọng nói để lừa đảo.
Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Th (ở phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khi đang làm việc thì nhận được tin nhắn của bạn thân qua Facebook hỏi mượn 20 triệu đồng. Lý do mượn để đủ tiền đáo hạn ngân hàng. Nghi ngờ tài khoản Facebook của người bạn bị chiếm, lừa đảo nên chị Th đã gọi video để kiểm chứng.
Phía bên kia bắt máy, mở video thì chị Th thấy mặt bạn nhưng hình ảnh mờ, chập chờn, còn người bạn nói đang cần tiền gấp. Khi chị Th hỏi sao hình ảnh mờ, bên kia trả lời "đang vùng sóng yếu". Vì vậy, chị Th tin tưởng, chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản theo yêu cầu. Chuyển tiền được 30 phút, chị Th dùng điện thoại gọi cho người bạn, khi đó mới biết mình đã bị lừa.
Trao đổi với báo chí về thủ đoạn lừa đảo nêu trên, Trung tá Phan Quang Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết: Thủ đoạn trên trong giới công nghệ gọi là deepfake.
Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để học. Deepfake có thể thay đổi khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc. Hiện nay, deepfake đang trở thành nỗi ám ảnh, là "bóng ma" trong thế giới Internet được tội phạm dùng để lừa đảo...
Cũng theo Trung tá Vinh, vừa qua, hàng loạt phụ huynh đã bị kẻ xấu gọi điện lừa đảo con em họ bị tai nạn, cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để mổ nhằm chiếm đoạt tài sản. Công an TP Hà Nội đã phát đi cảnh báo và hướng dẫn người dân cách thức phòng chống. Hiện, một trong những thủ đoạn mới các đối tượng đang bắt đầu sử dụng, đó chính là giả giọng nói, khuôn mặt của người thân bị hại để gọi điện bằng hình ảnh lừa đảo.
Tuy nhiên, do cắt ghép, chỉnh sửa và dù đã được công nghệ hỗ trợ, song hầu hết những video này đều có chất lượng khá thấp, mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu. Đó cũng là một trong những dấu hiệu để bị hại nhận biết, cảnh giác. Dẫu vậy, không phải ai cũng có đủ thời gian nhận biết, sự tỉnh táo để xác định đó chỉ là “hàng fake”.
Tăng cường chế độ bảo mật thông tin
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng - Bộ Công an (A05) thì cho biết: “Tội phạm lừa đảo thường sử dụng Deepfake để mạo nhận người quen, giả hình ảnh và giọng nói của người sở hữu tài khoản mạng xã hội nhằm chiếm được lòng tin, sau đó thực hiện giao dịch tài chính vay tiền hoặc chuyển tiền.
Thời gian gần đây đã xuất hiện một số trường hợp nạn nhân bị lừa đảo bởi Deepfake. Trước tình hình đó, A05 đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, thông báo đến công an các địa phương nắm tình hình, phổ biến cho người dân về phương thức thủ đoạn mới này”.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng - Bộ Công an (A05) cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ AI
Phó Cục trưởng A05 khuyến cáo người dân nên cập nhật thêm thông tin về phương thức, thủ đoạn lừa đảo nêu trên. Mọi người cần tăng cường chế độ bảo mật thông tin trên mạng xã hội, nhất là việc đăng nhập các ứng dụng của bên thứ ba, đây là nơi rất dễ bị mất quyền sử dụng tài khoản.
Trong nhiều vụ lừa đảo, tội phạm thường thông qua việc chiếm quyền sử dụng tài khoản, sử dụng công nghệ Deepfake để tương tác với người thân của chủ tài khoản, từ đó thực hiện hoạt động lừa đảo.
"Người dân cần đề cao cảnh giác khi có người quen trên mạng xã hội yêu cầu giao dịch về tài chính một cách bất thường. Lúc đó, mọi người nên kiểm tra qua những kênh chính thống, liên hệ trực tiếp với người đó trước khi thực hiện giao dịch", Trung tá Triệu Mạnh Tùng nhấn mạnh.
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao, Chỉ huy Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo: Người dân cần nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi hỏi vay, mượn tiền, chuyển khoản, tránh việc xác nhận qua video call, đặc biệt là khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi, đường link lạ. Trong trường hợp nhận được những “yêu cầu” này, cần giữ thái độ bình tĩnh, cẩn thận xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại hoặc có thể gặp trực tiếp để trao đổi thông tin chính xác trước khi chuyển tiền.
Bên cạnh đó, nên cẩn trọng với các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không nên để lộ thông tin riêng tư như số nhà, số căn cước công dân, video, hình ảnh lên mạng xã hội. Lấy ví dụ về thủ đoạn các đối tượng lừa đảo phụ huynh học sinh vừa qua, chỉ huy Phòng CSHS cũng cảnh báo, hiện nhiều bậc phụ huynh hay đưa thông tin, hình ảnh cá nhân, con em lên mạng xã hội. Cùng với đó, tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân, của con cái qua các hội, nhóm học thêm, phụ huynh…cũng đã xảy ra.
Nhiều người khi đăng ký mạng xã hội bằng số điện thoại cá nhân, và khi đối tượng lừa đảo kiểm tra qua mạng xã hội từ số điện thoại này dễ dàng biết được thông tin cá nhân, từ đó lập kế hoạch lừa đảo. Đây cũng là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi. Do vậy, người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của mình, tăng cường ý thức bảo mật thông tin cá nhân, gia đình, con cái, tránh làm “mồi” cho các đối tượng tội phạm. Ngoài ra, ngay khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo, rơi vào bẫy của các đối tượng, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để được giải quyết và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Thành Lộc - TTTĐ