Cao điểm dịch sốt xuất huyết: Người dân vẫn… thờ ơ

09/09/2023 10:11

Kinhte&Xahoi Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng và đã ghi nhận trường hợp tử vong.

Thế nhưng, trong khi dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, nguy hiểm thì một bộ phận người dân vẫn chủ quan, thờ ơ trong công tác phòng và điều trị bệnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế quận Long Biên hướng dẫn người dân diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: Xuân Lộc

Khẩu hiệu đơn giản, thực hiện khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận gần 76.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong. Đặc biệt, thành phố Hà Nội hiện là địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao của miền Bắc.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, tính đến ngày 5-9, toàn thành phố ghi nhận 7.614 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn và đã có ca bệnh tử vong.

Điều đáng nói, số ca mắc sốt xuất huyết ngay trong tuần đầu của tháng 9-2023 đã tăng gấp đôi so với tháng 8-2023. Cụ thể, nếu như tháng 8-2023, có vào khoảng 500-600 ca sốt xuất huyết/tuần thì hiện tại đã vượt mốc 1.100 ca/tuần.

Lý giải nguyên nhân vì sao thành phố đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết nhưng số ca mắc vẫn gia tăng, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, khí hậu và thời tiết thời điểm này rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Hà Nội đang bước vào thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết.

“Việc phun hóa chất chỉ là khâu cắt ngọn, còn gốc của vấn đề là phải loại trừ được 100% các ổ bọ gậy. Bởi, nếu các ổ bọ gậy vẫn còn tồn tại thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ nở thành muỗi trưởng thành và truyền bệnh. Chính vì vậy, khẩu hiệu mà ngành Y tế đưa ra là “Không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết”, ông Khổng Minh Tuấn nói.

Khẩu hiệu mà ngành Y tế đưa ra rất đơn giản nhưng ở nhiều nơi, việc thực hiện lại khó khăn. Theo quy định, vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên. Thế nhưng, tại huyện Thạch Thất - nơi đứng đầu thành phố với 751 ca sốt xuất huyết, theo CDC Hà Nội, kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch tại đây vẫn ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 2 đến 3 lần như: Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (BI=40); xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (BI=70)…

Tương tự, ngày 7-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại quận Hoàng Mai - địa bàn có số ca mắc đứng thứ 2 của thành phố (với 623 ca). Kiểm tra một số khu vực nhà trọ, hộ dân, trường mầm non… tại phường Định Công vẫn phát hiện bể chứa nước, các chậu hoa, cây cảnh… có nhiều bọ gậy.

Chính quyền và người dân phải cùng vào cuộc

Không chỉ thờ ơ trong phòng chống sốt xuất huyết mà người dân còn chủ quan khi tự điều trị bệnh. Do đó, không ít trường hợp người mắc sốt xuất huyết nhập viện khi rơi vào tình trạng nguy hiểm. Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô là gần 1.300 ca, trong đó có 35 ca nặng.

Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã cấp cứu một nam bệnh nhân (40 tuổi ở Hà Nội) bị biến chứng nặng sau khi tự điều trị sốt xuất huyết. Sau khi bị sốt, người này đã mua thuốc về uống. Uống thuốc được 4 ngày nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm và kèm theo chảy máu cam, bệnh nhân mới nhập viện. Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là một bệnh lý không mới. Tuy nhiên, các vấn đề về kiểm soát, dự phòng và điều trị vẫn luôn là những thách thức với ngành Y tế.

Các bác sĩ cũng cho rằng, đa số trường hợp sốt xuất huyết trở nặng đều do thói quen chủ quan không đi khám bệnh, tự uống thuốc và nghĩ rằng hết sốt là hết bệnh. Trong khi đó, sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc hiệu, bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng.

Do đó, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là sau khi hết sốt. Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết là từ ngày thứ 3 đến 7. Bệnh nhân gặp các biến chứng như tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, bệnh nhân có thể bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, sốc sốt xuất huyết. Nếu chậm trễ điều trị, người bệnh có thể tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương một lần nữa nhấn mạnh, tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cần xác định việc loại trừ các ổ bọ gậy là yếu tố căn cơ, cốt lõi. Do đó, các địa phương cần tăng cường tổng vệ sinh hằng tuần, xây dựng phong trào vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp tại gia đình, khu dân cư, trên diện rộng tại khu đất trống, đền chùa, khu vực xây dựng, trường học...

Đáng lưu ý, khi phát hiện sốt cao liên tục, người dân cần báo ngay cho trạm y tế hoặc đến cơ sở khám chữa bệnh để được khám, điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

 Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/cao-diem-dich-sot-xuat-huyet-nguoi-dan-van-tho-o-640367.htmll