Cầu đi bộ tiền tỉ bị “ngó lơ”

17/06/2021 11:06

Kinhte&Xahoi Nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, đồng thời giúp người đi bộ an toàn khi qua đường, Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt đi bộ, hầm bộ hành. Nhưng nhiều người dân vẫn “đi ngang, về tắt” băng qua đường, bỏ qua những cây cầu tiền tỉ.

Người đi bộ vẫn băng qua đường, bỏ qua cầu vượt bộ hành.

“Đi ngang, về tắt”

Theo quan sát của phóng viên, nhiều cầu vượt, hầm bộ hành được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp. Điển hình phải kể đến cầu vượt bộ hành gần ngã tư Giảng Võ - Cát Linh - Hào Nam - Giang Văn Minh. Ít được sử dụng và tác động của nắng, mưa, mặt cầu, cầu thang lên xuống nhiều chỗ đã gỉ sét.

Trong khi đó, cầu vượt bộ hành gần Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cũng thưa thớt người đi. Vào cao điểm buổi sáng, chốc chốc lại thấy một tốp người từ các điểm xe buýt hai bên đường cắt ngang dòng phương tiện đông đúc đang lưu thông để qua đường. Cầu vượt bộ hành đặt gần Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc), cầu vượt bộ hành ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Lương Định Của... cũng thường xuyên vắng hoe.

Tương tự, cầu vượt bộ hành, nhiều hầm bộ hành được xây dựng dọc tuyến đường mới như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng... cũng ít người sử dụng. Thậm chí, hầm bộ hành gần chợ Cầu Diễn mặc dù được xây dựng sạch sẽ, đồng bộ hệ thống chiếu sáng... nhưng nhiều người vẫn thờ ơ.

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có 31 hầm đi bộ tại các vị trí giao cắt trên các tuyến đường trọng điểm. Cùng đó là hơn 50 cầu vượt được bố trí tại những nút giao, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ. Song tại các khu vực này, rất nhiều người đi bộ vẫn giữ thói quen “đi ngang, về tắt”. Nhiều người vẫn chọn cách băng qua đường thay vì đi cầu vượt hoặc hầm chui, gây nguy cơ tai nạn cho chính mình và những người khác.

Lý giải cho việc băng qua đường, bỏ qua cầu vượt, hầm chui bộ hành, một người cao tuổi cho hay: “Cô cảm thấy lên xuống cầu không an toàn, đi lên thì mệt mà đi xuống thì chóng mặt, rất là sợ. Không phù hợp với người già”. Một người dân khác chia sẻ: “Đi cả cây số mới có cầu đi bộ qua đường thì hơi bất tiện, đành băng qua đường và cũng chưa thấy ai bị xử phạt vì hành vi này bao giờ”.

Theo chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình, người dân băng qua đường mà không sử dụng cầu vượt bộ hành đang phải chịu những rủi ro tai nạn giao thông rất lớn. Tiến sĩ Bình cũng cho rằng: “Cầu vượt bộ hành ở nước ta có một nhược điểm rất lớn là không có thang máy. Những người cao tuổi sẽ khó có thể trèo lên số bậc thang tương ứng với một căn nhà 2 tầng để qua cầu vượt bộ hành. Chính vì vậy, không có cách nào khác là họ không sử dụng cầu vượt bộ hành mà phải băng qua đường”.

Làm gì để cầu đi bộ “đắt khách”?

Liên quan đến chế tài xử phạt, Luật sư Nguyễn Thị Phương Loan, Văn phòng Luật sư Phạm Hải nêu quan điểm: Nguyên nhân chính của tình trạng này do ý thức tùy tiện khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân. Nhiều người vẫn có thói quen chọn đoạn đường ngắn nhất, vị trí thuận lợi nhất để đi dù gần đó có cầu vượt, hầm bộ hành. Trong khi đó, chế tài xử phạt người đi bộ không đúng nơi quy định đã có nhưng không đủ sức răn đe.

“Mức xử phạt đối với trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe, do vậy, vi phạm vẫn xảy ra phổ biến. Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần có chế tài xử phạt nặng hơn nữa với hành vi vi phạm này” – Luật sư Loan cho hay.

Theo ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều giải pháp để các công trình cầu, hầm phục vụ cho người đi bộ đảm bảo an toàn, thông thoáng và sạch sẽ hơn.

“Hàng ngày, tại các công trình này đều có người túc trực theo các ca để vừa quản lý công trình, vừa dọn dẹp vệ sinh. Khi trong hầm có vị trí xuống cấp hay thấm nước, các đơn vị duy tu được Sở giao đều khắc phục ngay”, ông Tuấn nói và đề nghị, thời gian tới các lực lượng chức năng của thành phố cần đẩy mạnh việc xử phạt người đi bộ sai quy định.

Theo ông Tuấn, Hà Nội đang tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cầu vượt, hầm bộ hành bảo đảm phù hợp, thuận tiện cho người tham gia giao thông. Thành phố cũng nghiên cứu, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, cưỡng chế người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt, hầm bộ hành như: lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng người đi bộ cố tình băng qua đường, gây mất an toàn giao thông.

 Sinh Nguyễn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cau-di-bo-tien-ti-bi-ngo-lo-d158424.html