Chặt cây và hai tiếng 'trách nhiệm' trong học đường
Kinhte&Xahoi
Cây phượng vĩ có thể không có giá trị gì nhiều, song cây xà cừ 40 tuổi là gỗ nhóm 1, hay cây me tây hơn 100 tuổi hiện bán khá đắt trên thị trường. Vậy những cây này chặt xong thì gỗ của nó đi đâu?
Mới đây, ngày 5/6/2020 đã có thêm một vụ cây phượng đổ tại một trường học ở Đồng Nai, khiến 3 học sinh bị thương nhẹ. Nhưng trước đó, cây phượng bị đổ đè 18 học sinh, trong đó có một em tử vong tại trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TPHCM đã làm dấy lên cả một “phong trào” chặt đầu cây tại nhiều trường học trong cả nước. Mặc dù nhiều chính quyền địa phương đã có khuyến cáo.
Những tấm hình lan truyền trên báo và mạng xã hội cho thấy rất nhiều điều đáng ngạc nhiên. Ví dụ như hình ảnh hàng phượng vĩ tại Giảng đường Phượng vĩ của Đại học Nông lâm TP.HCM bị đốn hạ.
Sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM chia sẻ hình ảnh khoảng sân trước giảng đường Phượng Vỹ với những cây phượng bị cưa cụt.
Nói về chuyên môn cây trồng, chắc chắn các chuyên gia của trường này là bậc thầy thiên hạ. Vậy mà họ cũng chặt bỏ cây phượng không thương tiếc. Tại Di Linh, facebook của Hội đồng hương Di Linh đã đăng tải hình ảnh cây Me Tây cổ thụ được cho là hơn 100 tuổi tại trường THCS Lê Lợi bị chặt đầu không thương tiếc. Tại Nghệ An, những cây xà cừ 40 tuổi trong trường học cũng bị đem ra chặt.
Cư dân mạng, chính là phụ huynh học sinh và các học sinh chỉ biết than thở trên mạng. Trong khi đó, không một hiệu trưởng hay trưởng phòng giáo dục, hay giám đốc sở giáo dục nào có ý kiến nào về vụ này.
Lý do của việc chặt cây được đưa ra ban đầu là do sợ trách nhiệm. Bởi vì rõ ràng khi cây đổ trong trường đè vào bất cứ ai thì trách nhiệm là của hiệu trưởng, do họ được giao quản lý mọi tài sản của trường học.
Trong khi các quy định, quy tắc và việc thực hành chăm sóc, quản lý cây tại từng trường hiện nay không chặt chẽ. Và vì sự kiện cây phượng đổ đè vào 18 học sinh là một sự kiện hy hữu, thành ra xưa nay cũng chưa ai coi lại việc chăm sóc và quản lý cây xanh trong học đường.
Khi sự vụ bung ra, thì mới thấy bao nhiêu là lỗ hổng. Tỷ như cái lỗ hổng trồng cây và quản lý cây, vốn là gốc rễ của việc cây có thể đổ do lỗi của con người hay không cũng khiến ta phải kinh ngạc.
Và giáo sư Trần Văn Chứ, hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp đã chia sẻ trên trang cá nhân thế này về thảm họa chăm cây của các trường học: “Khi làm sân trường, người ta thường đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây. Trong khi đó, đặc điểm của cây phượng là rễ ăn nổi, ngang, không đâm sâu xuống đất, nên khi đổ những lớp bê tông dày từ 15 - 20 cm thì toàn bộ lớp rễ nằm dưới phần bê tông rơi vào tình trạng yếm khí, không hô hấp được và chết dần, cũng là nguyên nhân khiến cây dễ đổ.
Ngoài ra, nguyên nhân gây đổ cũng có thể đến từ việc xây bồn xung quanh gốc. Đa số trong trường học, thường xây bồn kết hợp với ghế ngồi nghỉ cho học sinh, giáo viên. Bồn cao khoảng 40 - 45 cm so với mặt đất cũ, rồi đổ một lớp đất mới vào sau khi xây bồn xong khiến thông khí, thoát nước kém, tổn hại đến rễ cây.
Cây không chết ngay, nhưng yếu dần do các rễ nhỏ bị hỏng. Ở những phần cổ rễ cũ chết đi sẽ mọc ra những rễ tơ mới để lấy chất dinh dưỡng nuôi cây. Mắt thường nhìn thấy cây sống tươi tốt nhưng thực ra ở phía bên dưới đã bị mục rỗng rồi.”
Một cây phượng tại trường PTCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, TP.HCM được làm một cái khung sắt trị giá 6 triệu đồng để giữ lại dù nó đã mục cả rồi. Lý do mà trường đưa ra giải pháp này chính là vì rẻ hơn là chặt cây.
Tuy cây này mới chỉ trồng tại trường vẻn vẹn có 4 năm nhưng nó đã 33 tuổi. Tức là nó đã được bứng tới đây trồng khi 29 tuổi, đã là cổ thụ, độ tuổi mà phượng dễ bị mục rỗng (sau 20 tuổi), chưa kể những sai lầm khiến cây hư hại vì vận chuyển, trồng và chăm sóc. Mà theo giáo sư Chứ, cây cỡ này "tại những chỗ rễ cái, cành to bị cắt, hay những chỗ xây xước trong quá trình vận chuyển đều là nguyên nhân dẫn đến mục rỗng"
Nghĩa là ở đây câu chuyện trách nhiệm ban đầu đã lòi ra thêm câu chuyện sâu xa hơn của tư duy và tầm nhìn. Một học đường mà không muốn trồng cây từ nhỏ lên, chỉ ưa dùng cổ thụ bứng về đem trồng ăn sẵn. Khi cây đã mục thì không muốn bỏ mà dùng khung sắt giữ lại. Trong khi cái khung sắt 6 triệu này có an toàn hay không thì chưa thấy ai dám đứng ra đảm bảo, nhất là vào thời điểm mưa bão và cây trồng chịu gió lùa từ 4 phía, với tán rộng.
Và cuối cùng, là sự trục lợi có thể xảy ra. Hãy nhìn vào những cây bị đốn hay bị cắt cụt tại trường học vào thời điểm này. Cây phượng vĩ có thể không có giá trị gì nhiều về tiền bạc, song cây xà cừ 40 tuổi là gỗ nhóm 1, hay cây me tây hơn cả 100 tuổi hiện bán khá đắt trên thị trường để làm bàn ghế bằng gỗ nguyên khối.
Vậy những cây này chặt xong thì gỗ của nó đi đâu? Liệu chúng có bị bán đi thu tiền bất chính hay tự xuất hiện dưới hình thức bàn ghế, lọ lộc bình phong thủy cỡ bự trong nhà một quan chức hay không?
Hậu quả của thảm họa này, là đánh thẳng vào giáo dục. Trẻ em, khi tới trường được học ra rả về trách nhiệm, về việc phải sống thẳng thớm đàng hoàng, liêm chính, phải bảo vệ môi trường. Sau những sự vụ này, chúng có tin nữa hay không?
Nguyễn Anh Thi