“Vũ Khắc Tiệp vô ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng”?
Giữa tình hình biến chuyển của dịch Covid-19, “ông bầu” Vũ Khắc Tiệp bị đưa đi cách ly tại khu tập trung Cát Lái, Quận 2, TP.HCM vì tham gia show thời trang tại Italy (vùng đang xảy ra dịch bệnh).
Tuy nhiên, “ông bầu” này được cho rằng là không tự nguyện đi cách ly như một số nghệ sĩ khác. Theo như báo chí phản ánh, cơ quan chức năng phải mất 3 giờ mới thuyết phục được anh lên xe tới khu cách ly.
Vũ Khắc Tiệp (ngoài cùng bên phải) tham dự sự kiện thời trang tại Italy.
... và hình ảnh Vũ Khắc Tiệp chia sẻ khi đang ở khu cách ly tập trung.
Trong thời gian ở khu vực cách ly, Vũ Khắc Tiệp đã có những chia sẻ không tích cực về điều kiện ở khu cách ly. Trong đoạn video phát trên sóng truyền hình, Vũ Khắc Tiệp nói “cảm thấy rất ngột ngạt”, “không bị bệnh mà đến đây thành bị bệnh”...
Trước thái độ của “ông bầu” Vũ Khắc Tiệp, nhiều ý kiến đã lên tiếng phản ứng, thậm chí chỉ trích sự thiếu trách nhiệm khi là người của công chúng với cộng đồng.
“Thái độ của anh Vũ Khắc Tiệp rất vô ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Với bất kỳ ai, khi được yêu cầu cách ly cũng nên chấp hành nghiêm túc, tự giác. Hơn nữa, là một người hoạt động trong showbiz, được nhiều người biết đến, lẽ ra anh càng phải tự giác, có hành động thiết thực tích cực chung tay góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đằng này, anh ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, chỉ nghĩ đến sự bất tiện của bản thân mà không đồng cảm với sự vất vả, khó khăn của bao nhiêu con người...”, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim nói.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng trong thời điểm dịch Covid- 19 đang diễn tiến khó lường, điều cần nhất là sự đồng lòng, chung sức của người dân. Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nói: “Tôi nghĩ rằng, người dân phải đồng hành với chính phủ trong việc ngăn chặn dịch Covid- 19, cụ thể là thái độ bình tĩnh, không hoảng loạn, phải khai báo trung thực và không ngại ngần việc phải cách ly.
Trường hợp đang được báo chí nhắc đến cũng như trường hợp bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid- 19 cũng chỉ vì tâm lý... sợ cách ly. Tâm lý này cần phải điều chỉnh. Thực tế, chỉ vì tâm lý e ngại cá nhân mà để tình trạng dịch bệnh lây lan như ngày hôm nay. Tôi cho rằng, là người nổi tiếng thì càng phải gương mẫu trong việc chấp hành quy định phòng chống dịch của nhà nước”.
“Hãy là nghệ sĩ sống trách nhiệm...”
Trước hành động của “ông bầu” Vũ Khắc Tiệp, Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng đưa ra góc nhìn riêng: “Trong lúc cả đất nước đang sôi sục chung tay chống lại đại dịch, thì ý thức, trách nhiệm cộng đồng là phẩm chất cần thiết nhất của mỗi công dân. Là nghệ sĩ, người nổi tiếng, có ảnh hưởng công chúng càng nên đề cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng nhiều hơn nữa.
Trái với thái độ có phần tiêu cực của Vũ Khắc Tiệp, Châu Bùi và Lynk Lee đều tỏ ra thoải mái với cuộc sống trong khu cách ly của những người nằm trong diện trở về từ vùng dịch.
Hành động phản cảm của Vũ Khắc Tiệp trong việc phàn nàn về việc đi cách ly làm tôi nhớ tới câu nói trong bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình...”
Tính vị kỷ thì ai cũng có, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, được sống vì mình, miễn là không phương hại đến ai, nhưng trong trường hợp này, cả nước lâm nguy, anh ấy mới đi từ vùng dịch về, rất nên theo dõi, vừa tốt cho anh ấy, vừa tốt cho cộng đồng. Nếu biết nghĩ, anh ấy có thể biến điều này thành cơ hội, chung tay truyền thông cũng chính phủ chống dịch, chắc hẳn lúc đó hình ảnh của anh sẽ rất đẹp, được rất nhiều người tôn trọng.
Nhưng chỉ vì ích kỷ cá nhân mà Vũ Khắc Tiệp đã làm hình ảnh của mình trở nên nhỏ nhen, xấu xí.
Trong những lúc này, “sống trách nhiệm” là điều mà không chỉ riêng Vũ Khắc Tiệp mà tất cả các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng xã hội càng nên quan tâm. Hãy sống có trách nhiệm với bản thân, với những người xung quanh, không bỏ mặc, vô tâm với đau khổ, mất mát, nỗi đau của cộng đồng.
Sống trách nhiệm là chất gắn kết các mối quan hệ trong cuộc sống xã hội với nhau. Hãy tự chịu trách nhiệm cho những lời mình nói, chú ý về ý nghĩa của những lời mình nói. Cân nhắc lựa chọn từ ngữ cho phù hợp để không làm tổn thương ai đó, sau lại phải ân hận. Hãy sống có trách nhiệm thì bản thân, những người thân và người xung quanh sẽ luôn có được hạnh phúc.
Cùng với đó, chúng ta cần rèn thêm đức tính vị tha, sống vì người khác. Người vị tha luôn nghĩ cho người trước khi nghĩ cho mình, trong từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Họ thấy lòng nhẹ nhàng trước những nỗi lo đời thường vì ít quan tâm đến bản thân. Tình cảm của họ hướng ra ngoài bản thân, vui khi người khác cười và buồn khi người khác khóc. Người vị tha không có thói quen trách móc, đổ lỗi hay tự kiêu mà rất can đảm và khiêm nhường...”