Chi Ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn
Kinhte&Xahoi
Theo Bộ Tài chính, đã chi ngân sách nhà nước 29,1 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (19,7 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (9,4 nghìn tỷ đồng) trong 9 tháng đầu năm 2021.
Ảnh minh họa.
Thu NSNN thực hiện 9 tháng năm 2021 ước đạt 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Thu nội địa ước đạt 77% dự toán, tăng 5,9%; thu từ dầu thô ước đạt 125,4% dự toán, tăng 5,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 98,2% dự toán, tăng 30,3%.
Có 55 địa phương thu nội địa 9 tháng đạt trên 73% dự toán (trong đó 45 địa phương thu đạt trên 78% dự toán); 46 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15%; 08 địa phương có tiến độ thu dự toán đạt thấp.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, thu NSNN 9 tháng đầu năm 2021 vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan (như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,...) tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng 17,5 USD/thùng so với giá dự toán, góp phần tăng thu NSNN từ dầu thô; kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng đầu năm tăng (trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế lũy kế 9 tháng ước tăng 33,14% so cùng kỳ), tăng thu NSNN từ xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh đợt 4 bùng phát trở lại, diễn biến thu nội địa có xu hướng giảm, trong đó thu nội địa từ thuế, phí (không kể yếu tố gia hạn) từ mức tăng 9,1% của tháng 6, sang tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21% và tháng 9 giảm 26,5% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 và 9 cũng giảm mạnh. Dự kiến tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến số thu NSNN trong những tháng tới.
Về chi NSNN, thực hiện 9 tháng ước đạt 61,1% dự toán, trong đó: chi thường xuyên đạt 70% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 72,1% dự toán. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chưa được cải thiện, mới đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 56,33%), trong đó vốn trong nước đạt 51,74%, vốn ngoài nước chỉ đạt 12,69% kế hoạch; vẫn còn 03 cơ quan chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2021 .
Cả NSTW và NSĐP đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ước tính 9 tháng, NSNN đã chi 29,1 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (19,7 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (9,4 nghìn tỷ đồng). Trong đó, Trung ương đã chi 16,35 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin, chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ các địa phương; các địa phương đã chi từ NSĐP là 12,74 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 là 5,2 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin.
Bên cạnh đó, đã xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch và 80 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết, giáp hạt đầu năm và một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tổng thể cân đối NSNN 9 tháng có thặng dư, trong đó NSTW bội chi, NSĐP thặng dư lớn. Chủ động điều hành việc phát hành Trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn bù đắp bội chi NSTW và thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn của NSNN. Hết tháng 9, đã thực hiện phát hành được 237,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,21 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.
Phạm Duy - Pháp luật Plus