Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng của Việt Nam tăng thấp nhất 5 năm

29/08/2021 14:23

Kinhte&Xahoi Giá xăng dầu, gas, dịch vụ giáo dục, vật liệu nhà ở tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt biến động giá cả, thị trường hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh: DMS)

Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm tăng chủ yếu tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 8 tháng năm 2021 được Tổng cục Thống kê lý giải là do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 14 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.660 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.380 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.290 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm.

Đồng thời, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong 8 tháng năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 6 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 8 tháng giá gas tăng 20,26% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm.

Trong khi đó, giá dịch vụ giáo dục 8 tháng tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm) do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Mặt khác, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 8 tháng năm 2021 tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm).

Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 8 tháng năm nay tăng 6% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số lý do làm giảm CPI 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước là vì giá các mặt hàng thực phẩm 8 tháng giảm 0,38% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 6,49%; giá thịt gà giảm 1,34%.

Ngoài ra, việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II (bắt đầu giảm từ tháng 5/2020), quý IV/2020 (được thực hiện vào tháng 1/2021) và giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại kỳ hóa đơn tháng 8/2021.

Do đó, giá điện sinh hoạt bình quân 8 tháng năm 2021 giảm 0,83% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm.

Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé tàu hỏa 8 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 19,85%; giá du lịch trọn gói giảm 2,76%.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chi-so-gia-tieu-dung-8-thang-cua-viet-nam-tang-thap-nhat-5-nam-175434.html