Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có văn bản để đạo, hướng dẫn các tỉnh thành, các đơn vị chuyên môn và trực thuộc Bộ Y tế để hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19.

Ảnh minh họa.

Văn bản nêu rõ, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch với nhiều biến chủng virus lây nhiễm nhanh và mạnh hơn. Toàn ngành y tế đang ra sức, nỗ lực cùng cả nước phòng, chống dịch. 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã huy động nhiều đoàn cán bộ của các cơ sở y tế, cơ quan quản lý Nhà nước tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trong thời gian qua. 

Cùng với đó, còn có các học viên, sinh viên và học sinh các trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe, các tình nguyện viên.

Văn bản nêu rõ, Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của các cán bộ y tế, học viên, sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe. 

Căn cứ theo quy định của pháp luật, để giúp các đơn vị, địa phương thuận lợi trong quá trình triển khai, thực hiện, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính tại công văn số 8502/BTC-HCSN ngày 30/7/2021, Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung.

Ảnh minh họa.

Mức trợ cấp, hỗ trợ

Theo đó, với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập, cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, bộ, ngành và địa phương quản lý được cử đi, huy động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ.

Với đối tượng là học viên, sinh viên và học sinh các cơ sở đào tạo trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe và đối tượng là người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tình nguyện tham gia được cử đi hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ có các mức chế độ tùy theo nhiệm vụ.

Cụ thể, được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP.

Được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP .

Được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt 

Cũng theo văn bản của Bộ Y tế, tất cả các đối tượng trên được thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 làm điều kiện huy động đi chống dịch, ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo theo phân cấp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng nêu rõ, trường hợp người tham gia phòng, chống dịch thuộc đối tượng được hưởng nhiều mức phụ cấp chống dịch quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP và Nghị quyết số 58/NQ-CP thì được hưởng một mức phụ cấp chống dịch cao nhất.

Về số ngày hưởng phụ cấp sẽ tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, sẽ không bao gồm thời gian đi đường, di chuyển đến nơi làm nhiệm vụ.

Ảnh minh họa.

Mức hưởng công tác phí

Cùng với hướng dẫn về mức trợ cấp, hỗ trợ, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn về mức hưởng công tác phí đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập, cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, bộ, ngành và địa phương quản lý.

Theo đó, mức được hưởng chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính. 

Trường hợp địa phương bố trí chỗ ở thì cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi không phải chi trả kinh phí.

Thời gian được hưởng công tác phí là thời gian công tác thực tế theo văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền cử đi công tác hoặc giấy mời tham gia đoàn công tác. Thời gian hưởng công tác phí cũng bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, tết theo lịch trình công tác, thời gian đi đường.

Bên cạnh đó, với đối tượng tình nguyện viên là học viên, sinh viên và học sinh các trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đi lại (đưa, đón) do cơ quan có thẩm quyền quyết định huy động tổ chức chuyến đi tập trung.

Kết thúc, hoàn thành nhiệm vụ và quay trở về: Người tham gia công tác phòng, chống dịch phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung.

Nếu trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt (và chi phí khác) theo mức giá do khách sạn, resort, chủ phương tiện vận tải công bố. 

Riêng chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 được ngân sách nhà nước chi trả.

Nếu cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung thì được ngân sách nhà nước bảo đảm các chi phí theo quy định.

 Gia Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/chi-tiet-muc-chi-cho-can-bo-y-te-tinh-nguyen-vien-ho-tro-chong-dich-covid-19-d162861.html